PTTH Nguyễn Khuyến Nam Định khóa 1991-1994
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

PTTH Nguyễn Khuyến Nam Định khóa 1991-1994


You are not connected. Please login or register

Những câu chuyện thú vị

2 posters

Chuyển đến trang : 1, 2  Next

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 2 trang]

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Các bạn thân mến, tôi đã đọc đi đọc lại các câu chuyện này và cảm thấy rất thú vị. Đây là những câu chuyện trong một tập sách thuộc hàng betseller tại Trung Quốc thời gian vừa qua. Xin giới thiệu với mọi người một vài câu chuyện nhé:

Sen và ốc sên

Chùa Thiên Minh chúng tôi tọa lạc trên núi Mao Sơn, bên trấn Diểu. Dưới núi không xa có cái ao sen. Khi mới vào chùa, Giới Sân thường cùng sư huynh sư đệ đến đó chơi. Trong chùa, Giới Sân thân với Giới Ngạo, hầu hết quý sư huynh cũng không lớn hơn Giới Sân bao nhiêu. Vài năm nay lại có thêm hai tiểu sư đệ Giới Si, Giới Trần. Giới Ngạo nhỏ hơn Giới Sân một tuổi nên là sư đệ của Giới Sân, nhưng hắn vào chùa từ nhỏ xíu. Sư phụ Trí Hằng phụ trách chăm sóc hắn từ bé.

Chúng tôi có ba vị sư phụ, sư phụ Trí Duyên, Trí Hằng, Trí Huệ. Huynh đệ chúng tôi: tôi - Giới Sân, Giới Ngạo, Giới Si, Giới Trần…

Mỗi năm vào lúc trời nóng, hoa sen lại vươn lên, mọc đầy trong ao, ở đó có tiếng kêu của ếch nhái, của ve, vì trên vùng núi, nên thời tiết có vào hạ, ban đêm không khí vẫn mát mẻ.

Nước trong ao tuy có nhiều khe núi chảy xuống, vẫn phải nhờ vào nước mưa. Lúc thời tiết nắng nóng, nước trong ao khô cạn, nhưng khi trời mưa nước lại tích đầy. Nước dưới ao không sạch lắm, sanh trưởng rất nhiều sinh vật. Đến mùa, lá sen phủ đầy mặt ao, từng đóa hoa thanh nhã điểm hồng trên nền nước, mùi hương thoang thoảng theo gió của núi rừng phảng phất bay, khiến người đứng hóng mát bên ao khó quên. Dưới tán lá sen, nhiều chú cá nhỏ vẫy bơi, nhiều chú chuồn chuồn chập chờn trên lá, khi gió thổi qua, chúng nó cũng dập dờn động đậy. Đợi cọng sen lớn, tôi và Giới Ngạo đến bên ao, bỏ dép, tuột xuống lớp bùn nhão nhoẹt khiến người dễ hụt chân, nhổ cọng sen lên đem về chùa.

Sau khi thấy cọng sen nhiều, tôi và Giới Ngạo đem cọng sen đến khe suối rửa. Dù nước ao có vẩn đục đến đâu, dù cọng sen có nhiều bùn đến đâu, những cọng sen này để bên khe suối rửa một chút là có thể dùng. Lấy cái dao nhỏ cạo đi lớp da mỏng màu đục la sẽ thấy màu trắng bên trong.

Dưới ao không chỉ có thực vật, mà còn có nhiều Ốc Sên sinh sống, lặng lẽ bám vào đáy ao. Ốc Sên có cái vỏ cứng bao bên ngoài và có cả cái nắp nhỏ che trước thân. So với cọng sen, xem ra Ốc Sên dễ chống lại sự xâm phạm của nước đục từ bên ngoài hơn. Nhưng có vài thí chủ bảo với chúng tôi rằng khi họ vớt Ốc Sên về, bỏ vào nước trong, chế ít dầu ăn vào nước, lúc sau, nước trong trở nên đục ngầu, vì Ốc Sên đã nhả bùn từ trong thân mình ra.

Nên sư phụ nói, hoàn cảnh bên ngoài có ảnh hưởng đến sự vật, nhưng không phải là tuyệt đối. Như cọng sen trần giòn dễ gãy, ở trong bùn vẩn đục lại dễ dàng rửa sạch, còn Ốc Sên tuy có cái vỏ chắc chắn kiên cố, song bên trong dơ bẩn đến độ để trong nước sạch cũng khó tẩy rửa.
Sen mãi là sen, bất luận là nơi nào cũng như vậy, không thể biến thành Ốc Sên.


Ngôi nhà của chuột

Sư phụ Trí Huệ khi chưa xuất gia là một thầy giáo ngữ văn. Sau khi xuất gia, sư phụ mang đến chùa rất nhiều sách, đa số đều không phải kinh Phật. Những quyển sách đó chất đống dưới giường của tiểu. Sư phụ Trí Huệ sau khi vào chùa rất ít khi đụng đến sách này, lâu dần, quý sư phụ và các tiểu đều không nhớ sự tồn tại của nó.

Đống sách này không phải là không được chiếu cố; có một vài chú chuột hiếu học làm ổ trong đó, thường lật sách đọc.

Buổi sáng sớm thức dậy, chiếc vớ thêm một lỗ to tướng, có thể là do các chú chuột chưa học đến phẩm lễ nghi cắn mất rồi.

Có hôm, tiểu hỏi sư phụ Trí Huệ một câu. Sư phụ suy nghĩ rất lâu, chợt nhớ trong đống sách dưới gầm giường có đáp án.

Tiểu kéo miếng trải giường qua một bên, thò đầu xem dưới giường, đưa tay rờ vào đống sách, bụi đóng một lớp trên sách bay tứ tung khiến mọi người chung quanh đều hắc xì.

Bên tai nghe tiếng kêu sột soạt, có hai chú chuột gầy gò, nối đuôi nhau tẩu thoát khỏi phòng, chạy ra ngoài sân.

Giới Ngạo giật thót cả người, liền sau đó nói đùa: "Hai chú chuột này mà ở chùa Bảo Quang, thì không đến nỗi gầy gò như vậy".

Đem từng đống sách dưới gầm giường ra phơi trước sân chùa, mấy huynh đệ chúng tôi bịt mũi, phủi bụi trần trên sách, lại bò trên đất, lật từng cuốn từng cuốn để tìm quyển sách mà sư phụ nói, cuối cùng tìm ra được, nhưng chỉ còn lại nửa quyển, nửa kia đã bị cắn nát, chắc chắn hai chú chuột gầy là thủ phạm.

Đem sách đưa cho sư phụ Trí Huệ, lật từng trang sách, đã không tìm thấy nội dung cần tìm. Giới Trần bất bình nói: "Mấy con chuột này thật quá đáng". Rồi, chợt hắn nói một cách ngây thơ: "Nêu như sư phụ giảng kinh cho nó nghe, khiến nó sửa đổi tính nết là tốt rồi".

Sư phụ Trí Huệ cười: "Giáo hóa những chú chuột này chỉ có Phật Tổ mới đầy đủ pháp lực, sư phụ không đủ khả năng đó. Nhưng xét cho cùng, hai chú chuột này cũng không có chỗ nào cần giáo hóa hết".

Giới Trần không hiểu: "Chuột trốn dưới gầm giường, cắn hư hết sách, tại sao không cần giáo hóa nó chứ?".

Sư phụ dạy: "Trên giường là nhà của con, nhưng dưới gầm giường lại là nhà của chuột".

Loài người thường cho rằng mình là nhân vật trung tâm, có quyền phán đoán sai trái, thậm chí còn cho rằng tất cả sự vật đều thuộc quyền sở hữu của mình, chưa bao giờ nghĩ rằng, vạn vật đều bình đẳng sở hữu. Nếu ai còn suy nghĩ như vậy, hãy nhớ rằng, bạn không có chút gì là đúng.



Được sửa bởi dangtuandkt ngày 13/10/2009, 06:04; sửa lần 2.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Ánh sáng trong sân chùa

Chùa Thiên Minh chúng tôi tuy không phải là nơi có nhiều khách hành hương, song vẫn thường có người đến viếng và thắp hương.

Có cô Phật tử họ Lý, một năm đến chùa mấy lần, thành khẩn khấn nguyện trước tượng Phật, còn cúng tiền hương đèn. Cô đến nhiều lần, riết thành quen thuộc. Sư phụ cũng tiếp chuyện với cô thân hơn các Phật tử khác.

Cô Phật tử này thắp hương xong hay đến chuyện vãn với sư phụ. Chúng tôi biết chồng cô làm cán bộ trong thành thị, lúc còn trẻ làm công nhân viên chức, cuộc sống ổn định, vui vẻ.

Giờ đây, do chồng cô làm cán bộ ngày càng to, bắt đầu có người ghen ghét, tìm cách hãm hại. Cách một thời gian lại có thư nặc danh gởi cho Bộ Thanh tra, kể nhiều việc không hay về ông, lời đồn đại không ngừng, thường thường có người lén xem xét cuộc sống riêng tư của họ. Cô Lý rất lo lắng, đến ngủ cũng không yên ổn, lo cho chồng xảy ra việc không hay, nên cô hay đến chùa cầu nguyện. Trong lời khấn nguyện của cô, quan trọng nhất là cầu Phật phù hộ cho chồng.

Cô kể chuyện với sư phụ, đến đoạn thương tâm thường rớt nước mắt. Cô hỏi sư phụ Trí Duyên, nếu như có biện pháp nào hay để tiêu trừ ách nạn, như tổ chức pháp sự hay trai đàn… dù khó khăn mấy cô cũng làm.

Lần đó, sư phụ Trí Duyên bảo cô: “Chỉ cần thành tâm cầu Phật gia hộ, làm việc gì phải thanh bạch, thì hẳn nhiên không xảy ra chuyện gì”.

Nghe câu trả lời của sư phụ, cô không hài lòng lắm, vẫn không thể an tâm, nên lâu lâu lại hỏi thăm sư phụ một lần.

Sư phụ liền chỉ ra sân chùa, bảo: “Hãy cầu nguyện hào quang Phật chiếu soi vào sân, rồi chiếu đến gia đình của cô”.

Nghe vậy cô mới hài lòng, an tâm trở về nhà.

Một lúc sau, Giới Sân bước ra ngoài phòng, phát hiện ánh nắng chiếu vào sân tuy rất gắt, nhưng vẫn còn vài góc ánh mặt trời không cách nào chiếu tới được.

Sư phụ dạy: “Nếu như muốn được ánh nắng mặt trời chiếu soi, phải đứng vào giữa sân, nếu cứ trốn vào góc sân, thì Phật cũng không cách nào giúp được”.

Chìa tay ra là tình yêu quanh ta

Sáng sớm, sư phụ Trí Duyên bảo Giới Sân đem phong thư đến cho sư phụ chùa Bảo Quang. Giới Sân vừa gật đầu nhận lời, chợt Giới Trần chen vào: “Sư phụ, để con đi cho”.

Sư phụ cười ra tiếng, ghẹo Giới Trần: “Con đi, chỉ sợ giữa đường có ông kẹ bắt chạy đi”.

Giới Trần hớt ngang: “Vậy cho con đi với sư huynh Giới Sân”. À, thì ra chú ta muốn đi ra ngoài chơi. Sư phụ Trí Duyên thấy dáng chú tội nghiệp nên đồng ý.

Giới Trần vui vẻ chạy về phòng, lát sau chạy ra đã đeo thêm cái túi xách nhỏ sau lưng. Giới Sân không hiểu, hỏi: “Chú đeo túi nhỏ làm chi vậy?”. Giới Trần cười tít mắt: “Em sợ giữa đường huynh mua đồ ăn, cầm không hết, nên chủ động đem theo túi nhỏ này”.

Giới Sân liền thò tay vào túi. Hôm qua sư phụ cho ít tiền lẻ, không chừng hôm nay sẽ sạch túi vì “quỷ nhỏ” này thôi.

Giới Sân tôi bèn dắt Giới Trần đi nhanh đến chùa Bảo Quang. Giữa đường, “quỷ nhỏ” không ngừng dừng lại trước các tiệm bán đồ, nhìn đồ chơi, đồ ăn - những thứ đó ám thị Giới Trần quá đi, nhưng tôi giả bộ không nhìn thấy.

Cuối cùng, không đành lòng, đến dưới chân núi chùa Bảo Quang, Giới Sân bèn mua cho chú một chai nước cam vắt.

Gần chùa Bảo Quang có nhiều điểm du lịch, nên nhà cửa xây cất trên núi trông rất đẹp mắt, khách hành hương cũng nhiều hơn so với chùa Thiên Minh. Hôm đó đúng vào ngày nghỉ, người trên núi đông đảo, sợ Giới Trần lạc đường, tôi liền nắm chặt lấy tay chú.

Chợt Giới Trần kéo tay áo, tôi quay đầu nhìn chú. Giới Trần nói nhỏ: “Sư huynh, có một bà già cứ theo sau lưng mình kia”.

Phía sau không xa, Giới Sân nhìn thấy một bà lão lam lũ, trên trán toàn nếp nhăn, còn đeo túi da rắn sau lưng, tay cầm nhiều vỏ chai không đang nhìn hai đứa.

Bà ta cứ nhìn vào cái chai nước cam vắt mà Giới Trần uống chưa hết, tôi mới hiểu là bà ấy đợi Giới Trần uống xong là lấy vỏ chai.

Giới Sân tôi ra ý bảo Giới Trần mau uống hết để đưa vỏ chai cho bà lão, bà vui mừng vớ lấy.
Giới Trần hỏi: “Bà lão đó làm việc gì?”.


Tôi nói: “Bà lấy vỏ chai đem bán kiếm tiền sống qua ngày”.

Giới Trần nửa hiểu nửa không, gật đầu rồi tiếp tục theo tôi lên núi. Chợt chú lại bảo: “Sư huynh, em khát”. Tôi cảm thấy kỳ quái, chú ta vừa mới uống xong lại khát. Chợt hiểu chú đang nghĩ gì, tôi liền chạy lại chỗ bán nước mua cho chú chai nước suối.

Giới Trần căng bụng uống một hơi hết sạch. Tôi muốn vỗ vào bụng chú quá đi mất, nhưng lại sợ hắn ọc nước ra.

Hôm đó trên núi Giới Trần lượm rất nhiều vỏ chai, cả hai chúng tôi đem cho bà lão nọ, bà vui mừng vô hạn. Lúc đó Giới Trần, với gương mặt nhễ nhại mồ hôi, cười tươi như hoa.

Cuộc đời vô thường, nhưng không phải ai ai cũng đầy đủ. Những vỏ chai không, có thể quăng bỏ đi, nhưng nó cũng có thể trở thành bữa cơm cho kẻ khác. Có ai biết, khi chìa tay ra, là tình yêu quanh ta…

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Phong tục ăn thôi nôi

Tập tục ăn thôi nôi ở trấn Diểu đã có từ lâu đời. Cư dân của trấn Diểu mỗi gia đình chỉ có được một con, nên nghi thức ăn thôi nôi được họ tổ chức rất lớn.

Lần nọ, một nữ thí chủ đến chùa Thiên Minh tổ chức nghi thức thôi nôi cho con trai. Khi trở về thị trấn, cô rất tự hào nói với mọi người rằng: chùa tổ chức lễ này rất linh nghiệm. Lời cô được truyền đi rất nhanh, các gia đình nghe được cũng muốn đến chùa làm lễ, sẵn tiện cầu an cho trẻ.

Thời gian đó, những em bé tròn một tuổi, hầu như đều được cha mẹ đưa đến chùa Thiên Minh làm lễ. Nghi lễ này đối với cư dân ở đây vô cùng ý nghĩa. Đầu tiên, họ chuẩn bị sẵn các thứ bảo vật như: giấy, bút, phục trang, kinh sách (Phật - Lão - Khổng), đồ ăn, vàng bạc…, nếu là bé gái, có thể thêm kim chỉ, kéo, lược… để xem các bé sẽ bắt trúng thứ gì rồi tùy theo đó mà giải thích, như bé nào bắt trúng giấy bút, kinh sách, sau này nhất định sẽ học giỏi; bé bắt trúng đồ ăn, sau này sẽ không lo âu việc ăn mặc; bé bắt trúng kéo, kim chỉ, sau này sẽ rất khéo tay… Dù sao đi nữa, việc tổ chức lễ tròn tuổi cho bé thể hiện hy vọng của cha mẹ vào con cái mình.

Mới đầu, sư phụ khuyên các Phật tử không nhất định là ở chùa tổ chức lễ thì mới linh nghiệm theo như lời đồn, nhưng họ không để ý thiệt hơn, nhất định vào chùa làm lễ.

Khuyên không được, sư phụ dặn dò chúng tôi xuống trấn mua vài lễ phẩm cho các bé bắt, như vậy cũng để bớt lãng phí cho các Phật tử.

Còn nhớ năm nọ, trấn Diểu đồng thời có ba hộ gia đình sanh em bé, đến khi tròn năm, họ đều muốn đến chùa làm lễ thôi nôi.

Hôm làm lễ cho các bé, trong chùa hết sức náo nhiệt, các phòng dành cho bé bắt đồ vật chật ních những người là người.

Ba đứa trẻ được cha mẹ để ngồi vào giường, trên giường bày rất nhiều đồ vật. Cha mẹ của các bé cười tươi như hoa, lại hồi hộp không biết là con mình bắt trúng thứ gì, hy vọng trẻ sẽ bắt những vật mà mình mong muốn.

Sau khi nghi thức bắt đồ vật bắt đầu, một bé bắt trúng trái táo, mọi người nói rằng bé này lớn lên sẽ không phải lo việc ăn mặc. Tuy cha mẹ bé không hài lòng lắm, nhưng cũng tạm chấp nhận. Bé khác nhặt một loại đồ điện khí, mọi người nói bé này thế nào lớn lên cũng sẽ là một cao thủ vi tính, cha mẹ bé mừng đến nỗi há hốc mồm.

Bé còn lại trên giường bò tới bò lui, trước sau không chịu bắt vật gì, dù cha mẹ bé dụ dỗ bé hết vật này tới vật kia. Gia đình nọ rất buồn, lo cho bé lớn lên làm việc gì cũng không xong.
Sư phụ Trí Duyên chỉ biết an ủi họ vài câu, rằng: “Đứa bé từ đầu đến cuối không chịu bắt gì cả, điều đó cũng có nghĩa là đứa bé sẽ có nhiều cơ hội để nắm bắt bất cứ vật gì”. Nghe vậy, cha mẹ bé an tâm ra về.


Chặp tối, khi đi ngủ, Giới Sân chợt nghĩ, tuy sư phụ Trí Duyên nói để an ủi người, thật ra cũng có tình có lý: Bàn tay cầm nắm của mỗi người luôn có hạn, muốn có được nhiều, nên học cách biết buông bỏ tất cả.

Hạt giống mong muốn

Từng có một nữ Phật tử đến hỏi sư phụ Trí Duyên rằng: bao nhiêu năm nay cô cứ chờ đợi một người, cô không ngừng vì người đó mà cho đi, nhưng anh ta không biết, hoặc giả đò không biết, vậy cô nên làm gì để cho người đó biết, lại nên làm gì để người ta đừng im lặng nữa?
Sư phụ suy nghĩ một chút, nói với nữ thí chủ: “Ở đây ta có loại giống, cần người trồng nó có đầy đủ sự cố gắng, nếu như hoa có thể nở rộ, thì nguyện vọng của cô sẽ thực hiện được”.
Cô Phật tử rất hưng phân, hỏi sư phụ làm sao có được giống hoa đó?


Sư phụ đáp: “Ta ở đây có vài hạt giống, chờ ngày mai đến chùa, ta cho cô một ít”. Cô Phật tử cám ơn rối rít, vui mừng xuống núi.

Giới Sân đứng bên nghe có vẻ lạ, sư phụ Trí Duyên đúng là có nhiều đồ vật kỳ lạ hiếm thấy, nhưng những loại giống kia, tiểu chưa bao giờ nhìn thấy.

Ngày hôm sau, tiểu cứ lưu ý xem cô Phật tử có lại chùa hay không, mượn cớ đó để đi xem loại giống kỳ lạ của sư phụ.

Cô Phật tử đến chùa rất sớm. Giới Sân hưng phấn cầm chổi theo sau cô vào chánh điện. Sư phụ Trí Duyên cầm cái bao giấy đưa cho cô Phật tử. Giới Sân cố nhìn, bao giấy bao rất cẩn thận, không nhìn thấy gì cả. Sư phụ nhìn tiểu cười, Giơi Sân ái ngại cúi đầu cầm chổi tiếp tục quét chùa.

Cô Phật tử hài lòng ra về. Tiểu đang quét, bỗng nhiên phát hiện dưới nền chùa có vài hạt giống, vội nhặt lên, chắc đây chính là loại giống mà sư phụ Trí Duyên đưa cho cô Phật tử lúc nãy bị rớt ra.

Giới Sân cẩn thận giữ hạt giống, lén trồng sau vườn. Mỗi ngày tiểu đều tưới nước, có điều là cuối cùng chẳng thấy cây nảy mầm. Cô Phật tử nọ thường đến tự viện, gặp sư phụ than vắn thở dài, đủ hiểu là cây hoa của cô cũng vậy.

Ngày lại ngày qua, cuối cùng Giới Sân chịu không nổi, đưa tay bới đất lên, hạt giống vẫn còn, chỉ là không chịu nảy mầm, trái lại có phần hư thối.

Cô Phật tử đến chùa chắc là không chơ nổi nữa nên hỏi sư phụ, tại sao sư phụ đưa cho cô loại hoa mà bất luận chăm sóc thế nào, đều không thể nảy mầm.

Sư phụ Trí Duyên bảo, vì sư phụ đưa cho cô toàn là hạt đã nấu chín nên mới ra cớ sự.
Không phải cứ hễ một phần cày cấy là nhất định phải có một phần thu hoạch, giống như trồng hạt giống đã nấu chín, bất luận bạn đầu tư bao nhiêu tâm lực, kết cục là bạn vẫn không thu hoạch được gì. Phải chăng bạn cứ muốn chờ đợi phần kết quả không thể xảy ra? Không bằng hãy chọn lựa sự buông bỏ, những hạt giống mới đang chờ đợi bạn trồng vẫn còn nhiều lắm.


(Còn tiếp)

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú



Đếm cánh hoa tìm đáp án

Nhớ năm ngoái, có vị thí chủ quen biết với sư phụ Trí Duyên, nhờ sư phụ mua một hàng điêu khắc bằng tre trúc, kết quả là khi mua về rồi mà không thấy vị đó đến. Đồ vật đó chế tác rất tinh tế, Giới Sân sợ bỏ bên ngoài bị người nào đó hay Giới Ngôn vô ý đụng vào hư hỏng nên đem bỏ vào kho chứa đồ lặt vặt sau chùa.

Mấy bữa trước, vị chủ nhân của hàng điêu khắc tre đến chùa thắp hương, sư phụ Trí Duyên liền bảo Giới Sân đem cái đó ra đưa cho thí chủ.

Giới Sân đến kho chứa đồ, lại phát hiện đồ đạc trong đó ngã la liệt, không cách nào một mình lấy hoa văn bằng tre đó ra được, nên đi tìm Giới Ngạo giúp một tay.

Đi vòng chùa vẫn không thấy hắn đâu, hỏi Giới Trần, mới biết hắn đã ra trước cửa chùa.
Giới Sân ra ngoài cổng, xa xa đã nhìn thấy Giới Ngạo đứng trên đường núi, hình như đang nhìn cái gì đó.


Đến bên Giới Ngạo, chưa kịp gọi tên hắn, nhìn theo hướng Giới Ngạo, thật hết hồn, thì ra có cô gái đang ngồi trên hòn đá. Trong lòng chợt thấy hành vi của Giới Ngạo không đúng đắn, sư phụ Trí Hằng đã căn dặn, không được nhìn người nữ lâu quá, nhất là những thiếu nữ, như vậy rất thất lễ. Nhưng từ nãy giờ Giới Ngạo nhìn cô gái đó ít nhất là mấy phút rồi.

Đưa tay kéo vạt áo Giới Ngạo, ra hiệu cho hắn đi vào, Giới Ngạo quay đầu lại nhìn Giới Sân, lại không có ý rời khỏi, nhè nhẹ chỉ cô gái đó cho Giới Sân xem.

Nhìn kỹ cô đó, dáng vẫn còn trẻ không hơn 20 tuổi, cô hình như không chú ý đến chúng tôi, chỉ ngồi trên hòn đá, cúi đầu, trong tay lại cầm vật gì đó, miệng rù rì nho nhỏ, nghe không rõ đang nói cái gì.

Trong lòng có chút tò mò, Giới Sân lấy hết can đảm, rảo đến trước Giới Ngạo. Thì ra cô gái đang cầm trong tay nhành hoa, miệng lại đọc thầm thầm, cách một chút lại ngắt một cánh hoa bỏ đi.

Lắng nghe kỹ chút là cô ấy vừa ngắt một cánh hoa vừa nói một câu, lặp đi lặp lại “tha thứ”; “không tha thứ”.

Trong phút chốc như hiểu ra, cô ấy đang giận ai, lấy hoa cứu giải, xem có thể tha thứ được người đó hay không. Đóa hoa đó có nhiều cánh, động tác cô gái ngắt cánh hoa rất chậm, nhưng bông hoa chỉ còn lại một phần ba.

Giới Ngạo chợt hỏi: Cô gì đó ơi, cô đang làm gì vậy?

Cô gái ngước đầu lên, kinh ngạc nhìn chúng tôi, dừng lại rồi do dự trả lời, tôi đang hỏi hoa để tìm ra câu trả lời.

Giới Sân tự hỏi, chúng ta đem vận mệnh chính mình đặt để vào cánh hoa, có phải là quá qua loa?

Cô gái nói với chúng tôi: Tôi biết hai chú là chú tiểu của chùa Thiên Minh. Tôi từ xa tới đây, muốn hỏi sư phụ Trí Duyên một câu, ba tôi từng là một người xấu, lúc tôi còn nhỏ, ba đã bị bắt vào tù, vì cớ này mà tôi bị người kỳ thị. Cho đến gần đây ông được thả ra, xin mẹ và tôi tha thứ, tôi cảm thấy khó nghĩ quá. Tôi muốn hỏi sư phụ Trí Duyên, có nên tha thứ cho ông ta không, nhưng đến cổng chùa, chợt thấy chần chừ, quyết định dùng hình thức này để tìm câu trả lời.

Giới Sân tạm thời trầm mặc, không biết nên nói làm sao.

Giới Ngạo đột nhiên cắt ngang: Cô nè! Cô làm như thế để tìm đáp án là không chuẩn xác đâu, hay là tôi giúp cô niệm chú khai quang cho bông hoa đó, rồi cô lại tiếp tục.

Tiểu cảm thấy kỳ lạ nhìn Giới Ngạo, không biết hắn đang nghĩ gì, Giới Ngạo đã đưa tay ra đón lấy bông hoa, sau đó bắt đầu niệm chú, một chút sau, trả lại hoa cho cô gái.
Cô cầm hoa, tiếp tục đếm từng cánh từng cánh, cho đến cánh hoa cuối cùng rơi xuống, đúng vào câu “tha thứ”, cô mới vui vẻ cười tươi.


Giới Sân nói: Nếu như lúc nãy cô vào chùa, sư phụ Trí Duyên chắc chắn là sẽ nói với cô, chúng ta cố chấp đem thù hận để trong tâm, kết quả mất đi thân tình, mất đi niềm hỷ duyệt. Buông bỏ càng nhiều, đạt được cũng nhiều như vậy.

Cô gái cám ơn và tạm biệt chúng tôi. Giới Sân bảo Giới Ngạo vào chùa giúp một tay chuyển đồ đạc. Giới Ngạo chợt cười rúc rích ngay sau lưng Giới Sân. Tiểu quay đầu lại, Giới Ngạo xòe bàn tay ra, trong lòng bàn tay là một cánh hoa. Hắn nói, lúc nãy đang niệm chú, lén đếm những cánh hoa thừa lại, nếu tiếp tục đếm sẽ là “không tha thứ”, nên đệ ngắt bớt đi một cánh. Hi hi.

Giới Sân hơi kinh ngạc, nhưng không nhịn được cười. Vận mệnh không để cô gái đó gặp sư phụ Trí Duyên, mà phái “tiểu yêu” Giới Ngạo đến để ngắt bỏ cánh hoa phiền não cho cô, hóa ra mọi việc lại tốt đẹp.

Một cánh cửa khác

Lần nọ, một thí chủ còn trẻ đến chùa, dáng người không cao, lại hơi ốm, có vẻ dị tật, lúc đi quẹo qua quẹo lại; nhưng anh ta có biệt tài nói chuyện rất hay, thường bàn luận kinh điển với quý sư phụ trong chùa, thu hút cả Giới Sân và Giới Ngạo.

Giới Sân nhịn không được lâu lâu nói chen vào vài câu, anh này liền chú ý và tìm vài vấn đề thảo luận với Giới Sân. Quan điểm của anh ta rất đặc biệt, mỗi câu nói đều rất hợp tình hợp lý. Giới Sân hỏi anh ta, có phải anh là cư sĩ tại gia không?

Anh ta lắc đầu, anh nói với tiểu, thật ra anh chỉ mới hiểu Phật pháp một năm gần đây mà thôi.

Mọi người nghe anh nói rất ngạc nhiên, một năm lại hiểu Phật pháp thâm sâu như vậy, sức lãnh ngộ không phải tầm thường.

Anh nói anh không phải là thiên tài gì, anh học đại học khoa ngữ văn, thành tích chỉ trung bình.

Ra trường, anh làm việc cho một đơn vị quốc doanh trên thành thị, công việc khởi sự là kiểm soát và giám sát các xí nghiệp thực phẩm như tiệm cơm, cửa hàng ăn uống…

Cũng độ này năm ngoái, chính phủ yêu cầu đơn vị anh tiến hành kiểm soát vệ sinh phòng nấu các tiệm cơm lớn. Hôm đó, họ thông báo là sẽ đến kiểm soát một nhà hàng ăn uống rất quy mô.

Nhà hàng ăn uống đó tuy quy mô không nhỏ, nhưng phòng nấu ăn không vệ sinh lắm, nghe báo là có người đến kiểm tra, liền vội vàng chỉ đạo cho công nhân viên quét dọn sạch sẽ. Chỉ sau mấy chục phút, phòng nấu ăn rất sạch, dưới nền gạch trơn và sáng loáng.

Do vì mới quét dọn xong, nên nền gạch trơn trợt, vị kiểm tra viên chính là anh vừa đến phòng ăn của nhà hàng, liền té mạnh xuống nền, chân bị gãy cốt, nằm bệnh viện điều trị rất lâu mới bình phục, qua thời gian dài anh vẫn không thể xuống giường đi lại được. Một người bạn đến thăm anh, sợ anh cô đơn, đem đến vài quyển sách Phật cho anh đọc. Anh mới đầu chỉ có chút thú vị, dù gì đi nữa cũng không thể làm việc gì khác, sẵn tiện nghiên cứu Phật học, ngờ đâu càng xem càng thích, càng có nhiều tâm đắc.

Sau một năm, anh đã có thể đi lại được bình thường, sự nhận thức về tri thức về Phật học cũng tích lũy được tương đối cao.

Có thể trong trạng thái bình thường, anh chưa chắc có thời gian và sức tinh chuyên tĩnh tâm nghiên cứu Phật học, nhưng sự cố đã khiến anh có cơ hội tìm hiểu.

Từng có người tàn tật hỏi Giới Sân, nên đối diện với tình huống của mình như thế nào? Vậy thì Giới Sân muốn trả lời họ, có thể so với người bình thường họ làm việc không nhiều, nhưng do vậy mà có cơ hội để làm việc khác tốt hơn.Cuộc đời rất bình đẳng, khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác liền mở ra. Có sở đoản là có sở trường, điều chúng ta cần làm là tìm ra sở trường của chính mình để sống lạc quan hơn, vui hơn giữa cuộc đời này

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Con ngỗng và cọng dây

Có thời gian, Giới Trần nội tâm trào dâng, chợt thích vẽ tranh. Lúc mới đầu, chỉ vẽ bằng bút màu trong chùa, vẽ nhiều nhất là cảnh vật, lư hương, mõ, chuông, cây cỏ…

Nhưng sở thích là một lẽ, thiên phú lại là lẽ khác. Giới Trần vẽ tính ra không giống lắm. Khách hành hương nhìn thấy Giới Trần bò trên đất vẽ nên tò mò hỏi, chú tiểu đang vẽ gì vậy? Giới Trần rất nhẫn nại giải thích cho họ nghe rằng hắn đang vẽ cảnh vật ở đâu đó, có khi khách cũng lịch sự khen vài câu, hắn liền vui không thể tả.

Bữa đó sinh nhật của Giới Trần, nên hắn có yêu cầu nhỏ, cần một vài giấy và bút vẽ. Sư phụ Trí Huệ cảm thấy vẽ tranh cũng là một việc tốt, liền đồng ý yêu sách của hắn. Sư phụ còn đặc biệt xuống trấn, đến cửa tiệm mua một bộ bút nước màu, một xấp giấy trắng cho Giới Trần. Nhận được quà sinh nhật, Giới Trần mừng húm.

Sáng ngày hôm sau, khi kết thúc thời kinh sáng, Giới Trần cầm ra một trang giấy đã vẽ cho mọi người xem, nói là vẽ hôm qua. Lật trang giấy ra, thấy vẽ một người, Tăng chúng trong chùa kinh ngạc nói không ra lời, người trong tranh là Giới Sân, nói chung là thần thái và tướng tá giống đến 80%. Lần đầu, Giới Trần chính thức vẽ trên giấy, lại vẽ được hiệu quả như vậy. Quý sư phụ và huynh đệ không ngớt khen ngợi sức vẽ của hắn. Sư phụ Trí Huệ rất đắc ý, nghĩ Giới Trần đối với việc hội họa quả là có chút tài năng, còn nói, lần sau nếu như ông Hạ - ông hoạ sĩ dưới trấn - có đến chùa, sẽ bảo ông ta hướng dẫn thêm cho Giới Trần.

Không biết làm sao mà Giới Trần nghe mọi người khen ngợi lại không vui lắm, mọi người đang nói, hắn chợt quay đầu chạy đi. Quý huynh đệ đều cho rằng khen nhiều quá hắn mắc cỡ.

Lát sau, Giới Sân đi ngang phòng Giới Trần, nghe tiếng khóc lí nhí trong phòng, bèn đẩy cửa bước vào. Giới Trần đang nằm trên giường khóc thút thít, thấy Giới Sân vào phòng liền khóc nhiều hơn.

Giới Sân ngồi bên cạnh giường, không hiểu vì sao Giới Trần khóc, nên không biết làm sao mà an ủi hắn. Hắn đang khóc đó, chợt ngước lên hỏi Giới Sân một câu, sư huynh, huynh có nghĩ là em nên tiếp tục vẽ nữa không?

Thì ra hắn khóc là vì việc vẽ này. Giới Sân kéo hắn lên, thành tâm thành ý an ủi hắn, đệ vẽ rất là đẹp, huynh thấy đệ lúc sáng vẽ huynh giống như vậy, rõ ràng là đệ có tiềm năng, nếu có niềm tin chắc chắn đệ sẽ thành đạt.

Giới Trần khóc to hơn, vừa khóc vừa nói, đệ vẽ sư phụ Trí Hằng chứ không phải vẽ huynh.
Nghe xong, Giới Sân giật mình. Sư phụ Trí Hằng mập mạp, Giới Sân lại hơi ốm, nếu như hắn vẽ sư phụ Trí Hằng, vậy thì việc vẽ thật là khó thành rồi.


Cũng không biết nói gì để an ủi Giới Trần, có cảm giác mình đang bắn bia này lại trúng bia kế bên. Giới Sân hết sức thông cảm, an ủi Giới Trần, vẽ quan trọng nhất là cái thần thái chứ không phải hình tướng, thật ra em vẽ thuộc về phái trừu tượng. Giới Trần cảm thấy được an ủi chút, từ từ không khóc nữa.

Ngày kia, ông hoạ sĩ Hạ đến chùa, sư phụ nói việc vẽ của chú tiểu. Ông bảo, hay là cho chú vẽ những vật linh hoạt, có thể khiến trình độ vẽ của chú nâng cao một chút.

Buổi tối, khi gần đi ngủ, Giới Sân nằm trên giường nghĩ ngợi, muốn đến vài cái ao lớn của Trấn Diểu, trong ao, cư dân nuôi nhiều vịt và ngỗng, lần sau có lẽ nên dẫn Giới Trần đến đó vẽ tranh.

Ngày nọ, Giới Sân nói với Giới Trần suy nghĩ hôm trước. Giới Trần vui vẻ chuẩn bị bút, giấy, giá vẽ, cùng Giới Sân xuống núi.

Dưới núi không xa là một cái ao sen rất lớn, có vài con vịt và ngỗng đang bơi trong ao.
Tiểu và Giới Trần ở dưới gốc cây bên ao, có gió thổi nhẹ trên ao, từng đợt sóng dập dờn, đong đưa trên nước. Thấy Giới Trần đang vẽ chăm chú từng nét, Giới Sân đang chuẩn bị khen, nhìn xem đệ vẽ những con vịt này đẹp thật. Chợt nhìn thấy hắn vẽ một con đang rụt cổ lại, thì ra là con ngỗng, nên không dám mở miệng, giống như lần trước lại khiến hắn bị tổn thương.


Thật kỳ lạ, không biết tại sao hầu hết những chú ngỗng lại tập trung đến trước mặt chúng tôi mà bơi. Giới Trần chợt nói, sư huynh nhìn xem, dưới ao có một cọng dây giăng ngang. Nhìn kỹ dưới mặt nước, Giới Trần thấy phía trước có một cọng dây kẽm giăng ngang ao, hầu hết các chú ngỗng bơi đến cạnh cọng dây, đều quay đầu bơi ngược lại, chỉ có một vài con rụt cổ bơi chui qua cọng dây.

Giới Trần nói, mấy con ngỗng tự do tự tại này gặp cọng dây đều phải rụt đầu rụt cổ.

Có lúc, cúi đầu là một cách duy nhất để vượt qua chướng ngại. Những chú ngỗng không chịu rụt đầu, không thể nào chui qua bên cọng kẽm; còn những con ngỗng chịu cúi đầu để vượt qua cọng kẽm lại thành công bơi trong ao nước mênh mông phía trước.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Hạnh phúc có thể chỉ là một ly nước lã

Chùa Thiên Minh không lớn, nhưng cũng không nhỏ lắm. Lớn hay nhỏ chỉ là khái niệm tương đối, bởi nếu đem chùa Thiên Minh so với tịnh thất Thủy Vân của trấn Diểu thì chùa cũng rất to.

Chùa Thiên Minh và chùa Bảo Quang đều tọa lạc trên núi, chỉ có tịnh thất Thủy Vân là ở ngay trong trấn Diểu. Đối với bậc chân tu mà nói, sống tại chốn sơn lâm hay giữa thị trấn náo nhiệt cũng chẳng có gì khác nhau cả.

Tịnh thất Thủy Vân vốn rất nhỏ, nhìn từ ngoài vào, chỉ nhìn thấy cánh cửa nhỏ trước phố, tấm biển xưa cũ khiến người đoán ra hình dáng cũ kỹ của tịnh thất. Tịnh thất Thủy Vân chỉ có mấy phòng, lúc trước có hậu viện, những năm gần đây đã bị lấn chiếm làm nhà kho.

Chỉ có vài vị Ni sư trú tại tịnh thất này, tuổi đã lớn, muốn thu nhận đệ tử nhằm duy trì mạng mạch, nhưng chẳng ai muốn đến. Có lần, quý Ni sư cười nói với Giới Sân, nếu như năm xưa người được đưa đến chùa Thiên Minh là bé gái, mà không phải là tiểu Giới Sân, thì chúng tôi đã có đệ tử rồi.

Mỗi năm đến hè, quý Ni sư lại để cái ấm nước thật to trước cổng tịnh thất, Giới Sân không biết cái ấm này có bao nhiêu năm, chỉ biết khi Giới Sân đến trấn Diểu, nó đã có mặt rồi. Ấm nước rất sạch sẽ, vì quý Ni sư mỗi ngày đều rửa sạch; bên cạnh ấm nước, quý Ni sư còn ghi hàng chư: “Nước uống miễn phí”, cạnh đó, còn treo cái ca nhỏ. Người qua đường khát nước có thể tự chế nước uống.

Có một bát nước lã miễn phí, có thể là chuyện nhỏ, nhưng việc dù nhỏ, có người làm thì vẫn hơn là không.

Mỗi sáng sớm, quý Ni sư đều đổ đầy nước vào ấm, gần tối lại treo lên cất.

Thường ngày, tiểu nhìn thấy người qua đường mồ hôi nhễ nhại, đứng trước cửa tịnh thất uống nước thỏa thích, mỗi gương mặt đều tràn trề niềm vui.

Uống nước xong, người người đều tự giác đem ca đến bồn rửa, nên ca uống nước lúc nào cũng sạch, vì người trước đã rửa qua rồi.

Giới Sân nghĩ, mỗi người đến đây uống nước đều hạnh phúc, vì lúc đó, mọi người đều hiểu rằng nên làm việc gì đó cho người khác, dù nhỏ nhoi. Hạnh phúc là sao? Là những ngày không phải lo âu cơm áo gạo tiền? Hay cuộc sống đầy đủ danh lợi?

Có thể những thứ kể trên đều không phải, hạnh phúc có thể chỉ là một ly nước lã.

Cánh hoa và thảm cỏ xanh

Mao Sơn rất đẹp. Đó không phải là cảm nhận của Giới Sân, mà là nhận xét của rất nhiều khách hành hương. Giới Sân từ nhỏ đến lớn chưa ra khỏi chốn này, nơi xung quanh toàn là cảnh núi non, mây nước điệp trùng. Đúng là con người ta thường không cảm được sự vật bên mình.

Năm đó, mùa Đông vừa hết vài ngày. Trên con đường nhỏ dẫn lên chùa không bóng người qua lại, chỉ có những mảng nắng hồng bên triền núi và cây cỏ xanh um bên đường. Những cành cây khô queo bắt đầu hé nở những mầm non; thảm cỏ nằm phục cả mùa đông dài nay bắt đầu xanh um trở lại. Nhắm mắt lắng nghe, dòng suối từ trên núi lâu nay băng đóng dày, giờ đã có tiếng nước chảy róc rách.

Chợt giật mình, xuân đến rồi sao?

Sáng sớm hôm nọ, sau khi tụng kinh khuya xong, tiểu cùng sư phụ Trí Duyên đến giếng lấy nước. Sư phụ lớn tuổi, đi giữa đường mệt liền ngồi nghỉ trên thảm cỏ phủ đầy cánh hoa.
Một con chồn sóc chạy ngang qua, đột nhiên dừng lại, nghiêng đầu nhìn trân trân hai thầy trò. Có lẽ chùa không nuôi gà nên chú ta chưa từng “ghé thăm” cửa thiền. Giới sân muốn đùa với nó nên vội chạy đuổi theo, chồn sóc sợ nên chui vào hang.


Sáng sớm, cỏ còn đọng sương đêm, nên y áo của hai thầy trò dần thấm ướt. Sắc màu xanh biếc, đỏ hồng,… làm óng ánh cả núi đồi. Những đợt gió thoảng nhẹ cũng làm cho những hạt sương rơi xuống; những lúc gió thổi mạnh lại có thêm những cánh hoa sặc sỡ rơi theo. Tiểu hứng lấy mấy cánh hoa chơi vơi vào lòng bàn tay, sờ cánh xinh nõn nà, lòng bất chợt cảm khái, mang mang…

Tiểu hỏi sư phụ Trí Duyên: Phải chăng nhân sinh cũng giống như những cánh hoa, tuy nhỏ mà diễm lệ?

Sư phụ cười đáp: Trong mắt chúng ta, cánh hoa tuy đẹp nhưng không thể để lâu được. Chỉ cần cách đêm, cánh hoa đã khô héo vì không được dưỡng nuôi. Cái đẹp này thật ngắn ngủi, không có khả năng sinh sống. Nhưng thảm cỏ bình thường kia hiếm ai để ý thì lại không ngừng sanh trưởng, dần dần phủ đầy cảnh núi.

Quả thực, ngôi sao băng lấp lánh chỉ trong thoáng chốc, nhưng ngọn đèn nhỏ lại có thể sáng thâu đêm. Nham thạch không ngừng bị sóng dữ đập vào vẫn đứng y nguyên bất động, nhưng những giọt nước nhỏ giọt vào đá từ năm này qua năm nọ lại có thể xuyên qua núi cứng. Cười to khiến người ta để ý, nhưng cười mỉm lại có thể làm ấm cả một tấm lòng.
Nhân sinh cũng như vậy, cứ theo đuổi cái huy hoàng ngắn ngủi không có ý nghĩa gì, chỉ là thay đổi quỹ đạo của chính mình, thường không đạt được gì cả; tích lũy từng chút trí tuệ, làm hành trang cho tương lai của chúng ta, mới là sự vĩnh hằng.


Giới Trần xem pháo hoa

Sư đệ Giới Trần là một chú tiểu dễ thương. Đối với người ngoài, chú hay mắc cỡ, e thẹn, chỉ cần nói vài câu với các thí chủ là mặt chú đã đỏ như gấc, nhưng chú lại được chú ý nhất chùa, các thí chủ khấn Phật xong, thế nào cũng hỏi thăm tiểu Giới Trần vài câu.

Mấy năm nay, tiểu Giới Trần lớn thêm vài tuổi, cũng bớt đi tánh e thẹn, song chú không quen thổ lộ quan điểm của mình. Dù vậy, chú có một sở thích mà cả chùa ai cũng biết, đó là thích xem pháo hoa.

Gặp khi lễ hội, Giới Trần thường leo lên nơi cao nhất của chùa, nhìn về hướng trấn Diểu, vui vẻ xem người dân dưới trấn bắn pháo hoa. Khi pháo hoa từ dưới đất vọt mạnh lên không trung, tủa ra những sắc màu đẹp mắt, niềm vui trên gương mặt của chú còn sáng hơn cả ánh pháo.
Nhớ lần nọ, mấy chú tiểu chùa hay tin siêu thị nhỏ dưới trấn mừng lễ tròn năm khai trương, nghe nói họ chuẩn bị một vài hoạt động, còn mua rất nhiều pháo, nhất định là sẽ có tiết mục bắn pháo hoa. Quả thật, đây là dịp tốt để Giới Trần xem cho no mắt, vì trước đó pháo hoa chỉ được bắn vào lúc giữa đêm giao thừa, không thể xuống núi xem, lần này các chú còn có thể đi dạo trấn nữa.


Đến ngày lễ mừng tròn năm của siêu thị, Giới Sân bận việc, nên chỉ có Giới Ngạo dẫn hai tiểu sư đệ xuống trấn xem pháo hoa. Mấy chú đi chơi đến gần tối mới về.

Qua mấy bữa sau, Giới Sân chợt nhớ chuyện xem bắn pháo hoa, lúc ăn cơm, bèn hỏi: Bữa xem bắn pháo hoa chắc đẹp lắm phải không, kể cho huynh nghe đi!

Giới Trần không hồ hởi như mọi khi, hắn nói: Pháo hoa không đẹp như em tưởng tượng, sau đó bận xem các trò vui khác nên không nhớ rõ lắm!

Thì ra, hôm đó là ban ngày, Giới Trần thích xem pháo hoa, chỉ là pháo hoa được bắn vào ban tối, ánh sáng rực lên giữa màn đêm, còn ban ngày thì ngoài âm thanh ra, pháo hoa chẳng có màu sắc gì đặc biệt.

Rất nhiều người hy vọng có cơ hội phóng ánh sáng của mình để thu hút sự chú ý của mọi người. Nhưng xem ra, nếu chỉ biết cách phóng không thôi chưa đủ, mà quan trọng còn phải biết cách để chiếu sáng vào lúc nào, vào nơi nào, như vậy thì ánh sáng mới tỏa ra hết sắc màu của nó.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Loài hoa quý và Tiên Nhân Chưởng

Sư phụ Trí Duyên rất thích trồng hoa. Trước chánh điện, ngài bày rất nhiều kệ hoa, xếp hoa cảnh mà chính mình trồng lên trên; lúc Phật tử đến nghe kể chuyện xong, cũng thích đến nơi này ngắm nghía.

Các loại hoa cảnh rất nhiều, có loại hoa phổ thông như nguyệt quế, hoa lan, cũng có loại hoa cảnh hiếm lạ, tiểu cũng không biết gọi là hoa gì.

Các Phật tử hình như đều biết sở thích này của sư phụ, nên khi họ lên núi nghe kể chuyện, thường thuận tay mang vài bình hoa lên cúng dường.

Thích trồng hoa cũng chưa chắc là đã trồng tốt. Trình độ trồng hoa cảnh của sư phụ Trí Duyên ở mức thường thường, thỉnh thoảng lại làm cho các loại hoa quý khô héo. Chỉ vì thường có người dâng hoa, nên giàn hoa trước Phật đường không thấy ít đi mà trái lại càng ngày càng nhiều thêm.

Trong trấn Diểu có một ông Phật tử già họ Nhạc; ông vốn ở thành thị, nhưng sau khi về hưu thường đến thị trấn nhỏ này. Nghe nói, lúc trước ông làm việc có liên quan đến cây cỏ nên có cùng sở thích với sư phụ Trí Duyên, chỉ là trình độ trồng hoa của ông cao hơn sư phụ nhiều, thậm chí chuyển thành hiệu ích kinh tế, ông chuyên môn trồng những loại hoa bán chạy đem xuống chợ bán.

Ngày nọ, ông Nhạc đến chùa nghe kể chuyện, đem lễ vật đến dâng lên sư phụ, là một chậu hoa nhỏ, trong trồng một cành cây nhỏ.

Tiểu không biết gọi đó là hoa gì, nhưng thấy sư phụ Trí Duyên rất đỗi vui mừng, nghĩ chắc đó là loài hoa quý hiếm.

Ông Nhạc nói với tiểu, loại hoa đó mua từ rất xa mang về, khi hoa nở khoe màu sắc sặc sỡ, nhưng loài hoa này rất khó dưỡng. Ông đặc biệt đem tới một quyển sách, chỉ cho sư phụ biết trong đó có vài trang nói về phương pháp dưỡng hoa.

Sư phụ Trí Duyên vui mừng nhận sách. Sau khi ông đó đi khỏi, sư phụ ngồi trên chiếc ghế nhỏ, cẩn thận xem, rồi theo đó đem chậu hoa đặt tại nơi có nhiều ánh sáng, cẩn thận chọn loại đất, nước và vật liệu dưỡng hoa.

Sư phụ còn ghi vài điều về thời gian tưới nước bón phân, bảo tiểu nhớ nhắc nhở, kẻo sư phụ quên.

Chậu hoa đó được dưỡng hơn tháng, chưa đến lúc hoa nở thì đã khô héo. Sư phụ rất thất vọng, chỉ còn cách bỏ đi.

Ngày kia, dọn giàn hoa, tiểu đột nhiên phát hiện bên dưới có một chậu hoa Tiên Nhân Chưởng nằm lăn lóc, mà nửa tháng trước do không thấy, tiểu cứ ngỡ là ông Nhạc đã đem đi đâu hay là hoa bị rớt dưới giàn. Tiểu liền tưới nước cho hoa. Vài ngày sau, hoa liền xanh tươi như thường lệ.

Có loài hoa được tận tâm vun bồi, chưa tới tháng đã bị khô héo; có loài hoa bị bỏ lăn lóc hơn nửa tháng vẫn cành lá xanh tươi. Tiểu hỏi sư phụ Trí Duyên, làm sao mà Tiên Nhân Chưởng không bị khô héo? Sư phụ đáp, do vì Tiên Nhân Chưởng sống trên sa mạc, quen với việc khô hạn, nên không cần nước vẫn sống.

Thì ra, khốn khó không phải là nghịch cảnh, giống như hoa Tiên Nhân Chưởng sống trên sa mạc, do vậy mà sức sống càng thêm mãnh liệt.

Chúng ta đang sống trong cảnh khốn khó, có thể nên tự nói với mình rằng, tôi có thể vì thế mà trở nên lớn mạnh hơn!

Điểm nhìn

Cô Phật tử họ Lý không giống với các Phật tử khác. Mỗi lần lên chùa thắp nhang, cô thường ở lại rất lâu, có khi ở đến một hay hai ngày.

Phòng khách của chùa được xây cách chánh điện một quãng. Lần nọ, đang lạy Phật trong chánh điện, bỗng cô Lý nhìn thấy tiểu Giới Si. Buổi chiều, cô gặp sư phụ Trí Duyên, hỏi rằng chú tiểu tội nghiệp ấy tên gì?

Sư phụ Trí Duyên lấy làm lạ, không biết làm sao mà cô này lại thấy Giới Si tội nghiệp?

Cổ nói: Thầy nhìn xem, y phục của chú tiểu đó cũ quá rồi!

Thật ra, không phải chùa nghèo đến nỗi không có tiền may y áo mới cho Giới Si, mà bởi tại Giới Si rất nghịch ngợm, ở trong chùa cứ trèo lên trèo xuống, có khi còn chạy đến núi Mao Sơn leo cây hái trái. Sư phụ Trí Huệ thuờng giúp chú vá lại mấy chỗ rách; nhưng không phải lần nào Sư phụ cũng trông thấy chú mặc chiếc áo rách toạc hết cả cánh tay chạy rong trong chùa.

Lần này có người chỉ, sư phụ Trí Duyên liền căn dặn tiểu giúp chú tìm chiếc áo mới để mặc vào. Vừa giúp Giới Si thay áo, Giới Sân vừa dặn chú không nên mặc áo rách chạy rong trong chùa nữa, Phật tử nhìn thấy không hay, họ sẽ trách sư phụ không lo cho mấy chú. Giới Sân khó khăn lắm mới thay được áo cho tiểu. Đột nhiên Giới Si hỏi: “Bà Phật tử tội nghiệp hồi sáng đó là ai vậy hả sư huynh?”

Giới Sân lấy làm lạ, liền truy hỏi, mới hay rằng người mà tiểu ta muốn nói đến chính là cô Phật tử họ Lý! Cô này rất xem trọng việc ăn mặc, quần áo lúc nào cũng láng lẩy, sợi dây chuyền trên cổ vừa sáng lại vừa nặng, xem ra rất mắc tiền. Giới Sân không biết tiểu ta thấy tội nghiệp cổ ở chỗ nào?!

Giới Si nói, trang phục bà đó tuy rất đẹp, nhưng cái áo lúc nào cũng bó chặt cái cổ, trông thiệt là tội!

Điểm nhìn của con người ta thật là kỳ lạ. Cùng đánh giá một sự việc, cùng nhìn từ một hướng, nhưng cái nhìn của ta có thể rơi vào một điểm nào đó, vì vậy mà cảm nhận của mỗi người có khác nhau. Giống như ai đó chỉ nhìn quần áo và sợi dây chuyền của cô Phật tử họ Lý thì có thể họ sẽ cảm thấy tội nghiệp cho mình, nhưng nếu ai đó chỉ quan tâm đến cái cổ của bà ta thôi thì lại cảm thấy thương cho bả hết sức, y như Giới Si vậy!

Đối với bất cứ vật gì, chúng ta đều không nên chỉ nhìn vào một điểm. Dùng ưu điểm của mình để nhìn nhược điểm của người, ta sẽ dễ dàng phát sinh lòng tự đại; nếu như lấy nhược điểm của mình để xem ưu điểm của người, ta lại phát khởi cảm giác tự ti. Chỉ khi nhìn rõ mọi góc độ, ta mới đánh giá chính xác, lòng tự đại cũng như tự ti sẽ không thể xuất hiện!

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Hy vọng của ông chủ Trịnh

Ông chủ Trịnh thường hay đến viếng chùa Thiên Minh. Vài năm gần đây, công việc làm ăn trên thành phố của ông thật có chút phát đạt.

Ông Trịnh còn rất trẻ, tính tình lại sảng khoái, thích kết giao với bạn bè, thường kéo bạn đi vui chơi đây đó. Ông cũng thích học Phật, thường tìm đến chùa Thiên Minh gặp chúng tôi đàm đạo. Có khi nhìn thấy liêu phòng của chùa bị cũ, ông liền cho thợ đến sửa. Ông rất thích cảnh núi non gần trấn Diểu, bởi cho rằng núi non thanh tú là nơi thích hợp cho việc nghỉ ngơi tịnh dưỡng, nên cho xây nhiều nhà ở đây. Sau đó, ông lại đầu tư một số tiền lớn để khai trương khu du lịch gần đó.

Có ai ngờ đâu trước đó, công ty của ông bị thưa kiện tranh chấp về vấn đề kinh tế. Về mặt pháp luật, tuy ông Trịnh hoàn toàn có lý, nhưng điều này đã dẫn đến việc tiền đầu tư bị tồn đọng. Khu du lịch mới đầu tư một nửa cần phải đầu tư thêm, ngân khoản của ông Trịnh không cách nào xoay sở được, phải bán đất để tiếp tục hoàn thành công trình.

Tin tức xấu về việc tranh chấp của công ty ông tới tai những người hùn vốn, họ sợ ông không thể thắng kiện, nên liền đến đòi tiền lại, thậm chí chưa đến kỳ hạn cũng đòi. Bạn bè ông Trịnh không phải giàu lắm, trong việc này chỉ muốn giúp đỡ việc làm ăn thôi.

Do ngày nào cũng bị người ta đến trước cửa công ty đòi tiền, chịu không xiết, ông ta liền tìm đến chùa Thiên Minh trốn tránh một thời gian. Sư phụ biết ông tâm địa lương thiện, chỉ vì gặp phải khó khăn tạm thời nên đồng ý cho ông trú tạm. Vì không ai ngờ ông lên chùa trốn tránh, nên không ai biết để đến tìm.

Chùa Thiên Minh ngày thường người người tới lui, sư phụ sợ ông Trịnh bị người ta phát hiện đem đến phiền phức, nên sắp xếp cho ông ở cùng với tiểu và Giới Ngạo.

Do tính phóng khoáng, nên dù gặp việc khó khăn như vậy, tâm tính của ông Trịnh cũng không bị ảnh hưởng gì mấy. Ông thường nằm trên giường hát, có khi cao hứng lại nhịp tay xuống giường, xuống bàn. Giọng ông không hay, nhưng nhịp điệu lại rất vui vẻ. Tâm tình như vậy thật cũng không đến nỗi nào.

Cách vài hôm, ông Trịnh lại xuống núi một lần, lúc trở về đều trông rất hưng phấn, kể tiến triển sự việc cho chúng tôi nghe. Tiểu và Giới Ngạo không hiểu ổng nói gì, nhưng nhìn nét mặt của ông, biết là sự việc tương đối thuận lợi.

Qua hai tháng, ông Trịnh thắng kiện, đến lúc rời chùa còn thỉnh chúng tôi khi nào xuống trấn, nhớ ghé công ty ông chơi.

Vài tháng sau, khi tiểu xuống núi mua đồ, gặp ông Trịnh đang lái xe, từ xa ông đã chào tiểu, mời lên xe, vừa nói vừa cười, hỏi thăm những người trong chùa có khỏe không.

Khi tạm biệt, bỗng dưng ông bảo, bây giờ tuy rất bận, nhưng ông vẫn thường hay nhớ lại những ngày sống trong chùa Thiên Minh trên núi. Bấy giờ, dù không biết là lúc nào sẽ mất hết tài sản, nhưng đó lại chính là lúc mà ông cảm thấy hạnh phúc nhất.

Tiểu nghĩ, có thể lúc khó khăn không phải là lúc hoàn toàn tuyệt vọng, nếu như đem tâm lạc quan đối diện với nó, bạn mới phát hiện được là hãy còn rất nhiều hy vọng.

Nước giếng mùa đông

Khách hành hương lên chùa Thiên Minh rất nhiều. Người đến lạy Phật, kẻ đến nghe chuyện, có người tham quan núi Mao Sơn, có kẻ đến để bình phẩm trà.

Mấy hôm rồi tuyết ngừng rơi. Sáng sớm hôm đó thức dậy, vừa đẩy cửa ra, tiểu đã ngạc nhiên khi nhìn thấy con đường lên chùa đã được dọn sạch tuyết. Bước ra ngoài, chú còn ngạc nhiên hơn, không phải chỉ có con đường vào chùa Thiên Minh mới được dọn, mà hình như từ Mao Sơn xuống đến Trấn Diểu đều đã sạch sẽ tuyết.

Tiểu vào chùa dò hỏi quý sư phụ và sư huynh đệ, nhưng không ai biết người nào đã dọn tuyết dùm.

Vài hôm sau, người lên chùa dần dần đông lên. Tiểu hỏi những người trong trấn rằng ai đã dọn tuyết, mọi người cứ cười, không đáp.

Thì ra, việc này không phải một hai người có thể làm xong, mà chắc là mọi người trong trấn đã lén làm.

Ngày kia, có hai thí chủ đến chùa, người con trai còn trẻ, tuổi cỡ Giới Sân, còn bà kia đã già, tuổi hơn 70, trên mặt có nhiều nếp nhăn, đi đứng cần người dìu, bà nói nếu như đường còn tuyết chắc là không lên chùa được.

Hai vị thí chủ đều rất lạ, chắc không phải dân trấn Diểu.

Bà già lạy Phật xong, ngồi trong thiền phòng nghỉ ngơi. Hóa ra đây là hai bà cháu từ ngoài tỉnh về trấn Diểu ăn tết, người cháu đi cùng bà lên chùa lạy Phật.

Người bà ngồi trong thiền phòng, nhìn tứ phía. Bà cho biết, hai mươi mấy năm trước, bà đã từng đến nơi này.

Mọi người đều rất ngạc nhiên, quý sư phụ còn không nhớ ra bà là ai, dù gì cũng đã hơn hai mươi năm rồi.

Bà kể, còn nhớ lần đó lên núi, vào lúc tiết xuân, quý sư phụ mời bà uống tách trà Mao Sơn, tới bây giờ bà vẫn không quên vị trà độc đáo năm đó. Do vì dùng nước giếng trong núi pha trà, nên hương vị mới thơm tự nhiên như thế.

Bà lão ngồi bên song cửa, mắt mông lung, hình như đang nhớ về vị trà năm đó.

Đứa cháu nhìn bà cười mỉm, hỏi quý sư phụ có trà không, vì bà nội ở nhà thường hồi ức bát trà của quý sư phụ chùa Thiên Minh.

Giới sân nhanh nhẹn bảo trà lúc nào cũng có, dù không phải mùa thu hoạch trà. Giới Sân đi ra ngoài, đứa cháu bước theo sau. Cậu ta chợt bảo Giới Sân rằng, bà cậu nói dùng nước giếng trên núi thì nước trà mới có vị ngọt ngon.

Giới Sân cảm thấy khó, bình thường đi lấy nước không sao, chứ bây giờ mùa đông vừa dứt, tuyết vẫn còn đóng dày, lấy nước giếng trên núi về e không phải dễ.

Đứa cháu hình như đoán biết được ý tiểu nên lẹ làng nói: Sư phụ có thùng không? Chỉ đường con biết, con đi lên núi lấy nước!

Tiểu đang chần chừ, Giới Ngạo đã mau mắn: Thời tiết này, anh lại không biết đường, rất nguy hiểm, hay là dùng đỡ nước mưa đi!

Nhưng đứa cháu chỉ kiên quyết lấy cho được nước giếng trên núi. Giới Ngạo cầm chiếc thùng nhỏ, có chút không an tâm, nên đi cùng với người cháu.

Hai người đi rất lâu. Giới Sân nóng ruột đi tới đi lui ngoài sân. Đỗi lâu sau mới thấy cả hai vừa nói vừa cười xách chiếc thùng chứa đầy nước về. Thời tiết này mà tìm được nước giếng thật không dễ tí nào.

Tiểu lấy nước đi đun, chế bình trà cho bà lão. Bà vừa uống vừa khen, vui vẻ y như trẻ con.

Hai vị thí chủ ở lại chùa sáng hôm sau mới ra về. Đứa cháu khi tạm biệt còn không ngớt cảm ơn Giới Ngạo. Tiểu ta chỉ biết cười đáp trả.

Quay vào chùa, Giới Sân chợt liếc thấy cái thùng gỗ ngoài sân, nhớ lại chính là cái thùng gỗ hôm qua Giới Ngạo lấy nước đem về còn thừa. Giới Sân đến bên thùng nước, định xách vào nhà bếp, mới phát hiện nước giếng còn thừa nửa thùng hôm qua, giờ đã đóng băng hết.

Nước giếng mà Giới Ngạo lấy từ trên núi về, một nửa để trong nhà bếp thành nước trà thơm tho, nửa để ngoài sân đã đóng thành băng giá lạnh.

Môi trường có ảnh hưởng nhiều đến con người chúng ta, chỉ cách bức tường mà đã liền thành hai vật khác nhau.

Nhưng chúng ta muốn để nước trong nhà hay để nước ngoài sân, đều là do chúng ta quyết định hết!
(Còn tiếp)

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Ly nước nhân sinh
Đó là câu chuyện của mấy năm về trước. Năm đó, chính quyền trấn Diểu muốn mở một vài khu du lịch, nên mời các công trình sư lên núi thiết lập kế hoạch.
Những năm đó, khách thập phương đến chùa Thiên Minh không bằng bây giờ, đôi khi cả ngày cũng không có người nào đến thắp hương, nên những công trình sư được chính quyền mời đến đều ở tại chùa.
Trong số các công trình sư đó có một chú trung niên, trông dáng rất phúc hậu, tiểu còn nhớ nụ cười ôn hòa của chú. Chú đối xử với Tăng chúng trong chùa rất khách sáo, nếu như giữa sân mà nhìn thấy quý sư phụ thì liền chắp tay xá, đợi chúng tôi chắp tay đáp lại, chú lại lần nữa hướng đến chúng tôi xá tiếp, thường xá qua xá lại rất lâu mới kết thúc. Do đó, chúng tôi ngại gặp chú vô cùng.
Nghe nói, kế hoạch của các công trình sư phải chờ quyết định cuối cùng của lãnh đạo nên tiến trình bị trì hoãn, mọi người đều rảnh rỗi, vài vị tranh thủ dịp này đi vòng vòng tham quan, riêng chú trung niên không đi, mỗi ngày chú đều ngồi trên hòn đá bên cổng chùa nhìn lá rơi, có khi ngồi đến mấy giờ liền không động đậy.
Tiểu Giới Sân nhìn thấy dáng mạo của chú, đột nhiên nhớ lại việc sư phụ Trí Duyên từng ngồi trên hòn đá nhìn lá rơi, nghĩ chú này chắc có tâm sự nhưng chú không muốn biểu lộ, chỉ ngồi yên đó. Giới Sân thật không nén nổi nghi hoặc, lại ngồi cạnh bên chú.
Đột nhiên chú ấy thở dài, hỏi tiểu: Con người chúng ta làm sao để cảm thấy hài lòng với những việc bình thường?
Giới Sân bất chợt không tìm ra câu trả lời. Chú ấy liền kể chuyện quá khứ của chú cho tiểu nghe.
Thì ra chú tốt nghiệp từ một trường rất nổi tiếng. Khi tốt nghiệp, chú đã thiết lập cho mình nhiều mục tiêu, hy vọng trở thành người xuất chúng; đến lúc mới ra làm việc, chú không ngừng nỗ lực để đạt đến mục tiêu, nhưng lại luôn gặp nhiều trở ngại. Mục tiêu trước sau vẫn chưa thực hiện được.
Sau đó, chú kết hôn, rồi có con. Năm đó, những mục tiêu cũng chỉ là con số 0. Đến hôm nay, mục tiêu càng lúc càng mờ mịt!
Cuộc sống lắm khi bận rộn khiến chú quên đi lý tưởng, gần đây rảnh rỗi, chú đột nhiên nhớ lại mộng xa xưa, nhưng chú đã từng muốn buông bỏ mộng tưởng để trở lại làm người bình thường.
Vì vậy mà chú hỏi tiểu: Con người chúng ta làm sao hài lòng với những điều bình thường?
Giới Sân đến Phật đường cầu cứu sư phụ Trí Duyên. Sư phụ suy nghĩ, cầm ly nước ra sân, đến trước mặt chú, rồi đổ ly nước xuống chiếc bàn đá. Nước rơi đầy bàn, phần lớn theo mặt bàn chảy xuống đất, chỉ có một vài giọt đọng lại trên mặt đá.
Chú cứ ngơ ngác nhìn sư phụ Trí Duyên, không biết sư phụ đang chuẩn bị làm gì. Sư phụ nói: Ngày mai ta sẽ trả lời cho câu hỏi của chú.
Sáng sớm ngày hôm sau, chú ấy thức dậy rất sớm, đứng trước bàn. Chú nhìn thấy những giọt nước ít ỏi ngày hôm qua đã khô tự khi nào.
Sư phụ Trí Duyên nói: Nước trong ly hôm qua, có một chút đọng lại trên mặt bàn, trải qua thời gian bốc hơi bay lên không trung, còn phần nhiều đã chảy thấm vào đất. Mỗi một giọt nước đều mơ là mình sẽ được bốc lên không trung. Nhưng chỉ một ít là có thể, còn lại thì thấm vào đất, tích tụ thành nước giếng, trở thành từng ly, từng ly đẫm hương trà thơm tho. Số khác đọng lại ở gốc cây, lặng lẽ lưu động, biến thành nước nuôi dưỡng từng chiếc lá.
Ai dám nói là những giọt nước chảy vào đất là không có giá trị? Chúng chưa tầm thường bao giờ!
Kết quả của bức vẽ
Trước đây vài ngày, một họa sĩ vẽ rất xuất sắc ở trấn Diểu là Phật tử họ Hạ đến chùa, cùng đi với ông còn có một người mập mập khác. Ông Hạ ngồi trong phòng sư phụ Trí Duyên hầu chuyện, thì ra người mập mập nọ là một vị họa sĩ nổi tiếng trong thành thị, nghe nói phong cảnh trấn Diểu rất đẹp, liền đến xem. Lần này, mục đích của ông Hạ chính là dẫn họa sĩ đó đến chùa trú vài bữa, sẵn dịp vẽ vài bức tranh thủy mặc. Sư phụ Trí Duyên vui vẻ nhận lời.
Ông Hạ thường chỉ cách cho Giới Trần vẽ, nghe nói ông Hạ tới nên Giới Trần chạy ra chào. Giới Trần dựa vào cánh cửa, thò nửa đầu vào cười duyên, chưa chịu bước vào, đến khi ông Hạ vẫy tay hắn mới e dè đi đến bên cạnh.
Ông Hạ xin phép sư phụ Trí Duyên cho Giới Trần cùng vẽ với họ. Giới Trần hướng về sư phụ Trí Duyên, sư phụ gật đầu, hắn mừng rỡ chạy đi.
Hai vị họa sĩ trú trong chùa nửa tháng. Thời gian đó, Giới Trần hầu như mỗi ngày đều cùng với hai ông lên núi để vẽ, sau khi về chùa, mỗi người đều ở trong phòng miệt mài vẽ.
Hôm hai vị họa sĩ cáo từ, Giới Trần được họ tặng cho vài quyển sách. Kể từ hôm đó, hắn luyện vẽ nhiều hơn trước. Lúc trước, khi nào rảnh rỗi Giới Trần mới vẽ, lúc này, hình như hắn toàn tâm toàn ý đầu tư vào công việc này.
Kỹ năng của Giới Trần càng ngày càng tiến bộ, có khi bức tranh hắn vẽ khiến cho người ta kinh ngạc, chính chúng tôi còn không tin là do hắn vẽ nữa. Càng vẽ, hắn càng trầm mặc, trông rất lạ.
Hôm nọ, sư phụ Trí Duyên nói với Giới Trần: Sau này ít vẽ lại đi, rảnh rỗi đi ra ngoài chơi.
Giới Trần buông bút, lại cùng với Giới Si chạy lên núi.
Không lâu sau, trình độ vẽ của hắn lại càng tiến bộ.
Lần nọ, Giới Sân hỏi sư phụ Trí Duyên, vì sao không để Giới Trần phát triển năng khiếu hội họa.
Sư phụ Trí Duyên nói: Vì Giới Trần mất đi cái tâm hội họa ban đầu rồi.
Chúng ta đối với việc lý giải sự thành công nên định nghĩa thế nào? Là đạt được vụ mùa bội thu? Hay đạt được thành tích khiến người ca ngợi? Có lẽ nên mang theo niềm hỷ duyệt trên con đường thành công.
Chúng ta phải chăng đang mê mải hướng về kết quả, phải chăng thường khổ não vì kết quả đó? Giống như tâm ban đầu của Giới Trần, vẽ là vì niềm vui, vì tu tâm dưỡng tánh, còn vẽ có đẹp hay không chỉ là vật phẩm kèm theo. Khi định vị mục đích của việc hội họa là để nâng cao trình độ hội họa mà không phải vì niềm vui, hắn liền đánh mất đi ý nghĩa vốn có của việc vẽ. Sư phụ Trí Duyên cản ngăn hắn vẽ là vì nguyên nhân này.
Trên con đường đi, những niềm vui mà chúng ta có được, không thể chỉ là cái giây phút lên đỉnh núi, mà niềm vui phải đến suốt quá trình lên núi đó.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Các bạn thấy những câu chuyện bên trên như thế nào? Chưa thấy ai có ý kiến gì?
Tôi nghĩ chắc ai cũng đều có hoặc đọc được những câu chuyện tương tự như thế này ( có khi còn hay hơn nữa). Thế thì cũng nên chia sẻ với mọi người một chút chứ đừng giữ làm của riêng.
@: Nếu các bạn thấy các câu chuyện trên không được thì cứ nói để tôi gỡ đi nhé. Laughing

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Nén nhang của ông lão họ Trần

13/04/2009 03:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:



Chùa Thiên Minh có một ông lão họ Trần, năm nay đã hơn 70 tuổi, thường ngồi bán nhang ở góc chùa. Nhà ông ở dưới chân núi, mỗi sáng sớm ông đều lên chùa, chiều tối mới dọn dẹp hàng, đem nhang bỏ vào một căn phòng trống phía sau chùa.

Ông lão bán nhang rất thích Giới Si và Giới Trần. Ông thường ngồi im nhìn hai chú vui đùa trong sân, thỉnh thoảng lại làm trò ảo thuật biến ra kẹo cây cho hai chú. Vì vậy, Giới Si và Giới Trần thường quẩn quanh bên ông để được kẹo.

Ông lão rất tin kính Phật. Mỗi ngày, sau lúc dọn hàng, ông đều thắp nhang lạy Phật rồi mới xuống núi về nhà.

Bất luận ngày nắng hay mưa, giỏ nhang của ông cũng chưa bao giờ vắng ở góc sân chùa. Thậm chí, vào những ngày đông tuyết rơi dày đặc, ông cũng lên chùa thắp nhang rồi về.

Có dạo, không biết vì lý do gì mà mấy ngày liền không thấy ông Trần lên chùa bán nhang. Ông ở trong trấn không người thân thích, nên trong chùa ai nấy cũng đều lo lắng cho hoàn cảnh của ông. Quý sư phụ quyết định dẫn mấy tiểu chúng tôi xuống núi thăm ông lão.

Đến nhà lão Trần. Ông đang nằm trên giường, không ngớt ho khan. Thấy chúng tôi đến, ông liền cố ngồi dậy. Sư phụ Trí Huệ bảo ông cứ nằm dưỡng bệnh, tiện tay rờ vào trán ông, nghe nóng đến giựt mình. Sư phụ vội vàng bảo chúng tôi mời bác sĩ đến khám bệnh. Ông lão cười, nói chỉ là bệnh vặt thôi, không có gì quan trọng. Nhưng gương mặt ông rất tiều tụy, khiến người khác phát lo.

Bác sĩ trong trấn nhanh chóng có mặt, chẩn đoán ông bị cảm nặng, đoạn kê toa thuốc. Quý sư phụ bảo Giới Ngạo ở lại chăm sóc ông. Giới Si, Giới Trần cũng đòi ở lại nhưng quý sư phụ sợ hai chú làm ồn, phiền lão nghỉ ngơi nên không đồng ý.

Về đến chùa, sư phụ Trí Huệ cầm một phong thư đưa cho Giới Sân, bảo tiểu xuống trấn gởi đi dùm.

Nhìn phong bì, tiểu thấy hình như không phải là địa chỉ của nhà sư phụ. Sư phụ Trí Huệ nói, phong thư này gởi cho con trai ông lão Trần.

Hóa ra ông lão bán nhang vẫn còn thân nhân, chỉ là không hiểu tại sao hồi đó tới giờ không thấy lai vãng.

Tối đến, Giới Sân nghe sư phụ kể, thì ra người vợ quá cố của ông thân thể ốm yếu, nên hai người sinh con rất trễ, mãi đến 40 tuổi mới có đứa con trai.

Khoảng mười năm trước, hai bố con xảy ra việc tranh chấp gì đó, họ cãi nhau trong chánh điện. Trong lúc nóng giận, đứa con trai không cẩn thận làm bể đồ vật trong chánh điện, ông lão liền tát vào mặt anh ta.

Do vậy mà con trai ông bỏ lên thành thị, thỉnh thoảng cũng ghé qua trấn Diểu, nhưng do tính tình hai cha con đều bướng bỉnh, nên mối liên hệ của hai người rất tồi tệ.

Không bao lâu, ông lão bán nhang bình phục, lại bắt đầu lên chùa trở lại. Quý sư phụ bảo ông ta nghỉ dưỡng thêm, nhưng ông lão không chịu.

Trải qua thời gian, vào một buổi chiều, Giới Sân đang quét sân thì nhìn thấy một thí chủ rất kỳ lạ. Anh ta khoảng 30 tuổi, cứ đứng thập thò trước cửa chùa không chịu vào, nhìn trân trân ông lão. Đang bận bán nhang cho khách, vừa quay đầu lại thấy anh thanh niên, ông lão lập tức cũng đứng bất động. Hai người cứ nhìn nhau như thế, thần tình rất quái lạ. Giới Sân lơ ngơ nhìn hai người, chợt hiểu ra mối liên hệ giữa họ. Đúng là con trai ông lão về thăm ông đây mà.

Anh thanh niên từ từ tiến đến bên ông, ngồi lên chiếc ghế nhỏ, có vẻ trầm mặc, nhưng hình như anh đang muốn nói điều gì.

Ông lão im lặng, vẫn cứ bận bán nhang, nhưng có vẻ ông rất xúc động, vì bàn tay ông cầm nhang đưa cho khách mà cứ run rẩy.

Trời bắt đầu chiều. Ông lão, như thường lệ, vào chánh điện lạy Phật. Anh con trai lặng lẽ bước theo ông. Khi ông lão chuẩn bị ra về, sư phụ Trí Huệ chợt kêu anh con trai lại, bảo đợi một chút.

Ông lão không dừng lại, một mình xuống núi về nhà.

Sư phụ Trí Huệ mời con trai ông vào chánh điện, đưa cho anh ta một gói giấy, trong gói giấy có vài cọng tăm nhang. Anh ta nhìn sư phụ, lòng đầy thắc mắc.

Sư phụ Trí Huệ nói: “Ba anh mỗi ngày đều đến chùa thắp nhang. Mấy bữa nay tôi giữ lại mấy cọng tăm nhang mà ông thắp còn lại”.

Anh thanh niên vẫn chưa hiểu ý sư phụ.

Sư phụ nói tiếp: “Ông lão mỗi ngày đều thắp nhang như vậy. Rất nhiều lần tôi ở gần ông, nên tôi biết tất cả những lời khấn của ông đều là dành riêng cho anh”.

Mắt người con trai chợt đỏ. Anh cẩn thận gói bao giấy lại, cất vào người.

Hôm đó, lúc anh xuống núi, trời đã hoàng hôn, mưa rơi lất phất.

Nước mưa có thể hòa lẫn để che đi nước mắt của anh, nhưng không che được nỗi hối hận thương tâm trong lòng anh.

Trải qua vài ngày, Giới Sân nhìn thấy hai cha con vui vẻ vào chánh điện lạy Phật, hình như cũng không có gì buồn rầu.

Khi họ gần đi, tiểu chợt có vài điều thắc mắc, liền đến hỏi sư phụ Trí Huệ rằng: “Sự tranh chấp của hai cha con năm đó, rốt cuộc là ai sai ai đúng?”.

Sư phụ Trí Huệ nói: “Từ trước tới giờ, chưa có ai sai cả!”.

Quyển nhật ký

Mấy hôm trước, em họ của sư huynh Giới Ưu ở thành phố đến Trấn Diểu du lịch. Anh ta họ Tề, làm việc cho một xí nghiệp lớn, thu nhập hàng tháng rất cao, đãi ngộ cũng không đến nỗi nào, thật là một công việc lý tưởng mà mọi người đều mong muốn, nhưng anh thường không vui. Sư huynh Giới Ưu muốn khai đạo cho anh nên sẵn dịp này, dẫn anh ta đến chùa, hy vọng sư phụ sẽ giúp cho người em họ giải trừ được phiền não.

Hôm đó đúng vào lúc sư phụ Trí Duyên đang kể chuyện, anh ta ngồi trong góc chánh điện, tâm tư có vẻ nặng nề, cố gắng tập trung tinh thần nghe chuyện.

Kết thúc buổi kể chuyện, sư huynh Giới Ưu dẫn người em họ đến trước mặt sư phụ Trí Duyên, nói rõ nguyên nhân anh ta đến chùa. Sư phụ cười nói: “Thật ra lúc nãy nhìn thấy tướng chú không để tâm là biết ngay chú đang gặp phiền não rồi”.

Sư phụ tiếp: “Hãy nói phiền não của chú cho ta nghe thử xem”. Anh này than thở: “Con có rất nhiều phiền não”. Sau đó, anh lại đem trong hành lý tùy thân ra một quyển nhật ký. Quyển tập ghi đầy sự việc vài năm sau này khi anh ta làm trong xí nghiệp. Anh ta vừa lật từng trang nhật ký, vừa kể những khổ não trong cuộc sống của mình.

Sư phụ im lặng nghe, rồi bảo: “Chú nên ở lại trong chùa một đêm. Chiều mai, ta sẽ giúp chú giải quyết hết phiền não”.

Anh ta vừa kinh ngạc vừa mừng vui, thậm chí còn có chút hoài nghi.

Giới Sân lấy làm lạ. Sư phụ Trí Duyên có thần thông gì để có thể hóa giải những nội kết phiền muộn của anh ta? Nhưng tạm thời chú không tiện hỏi.

Đêm hôm đó, sư phụ gọi Giới Sân đến thiền phòng, đưa Giới Sân tiền, bảo tiểu sáng mai đến tiệm bách hóa mua một quyển tập viết nhật ký. Giới Sân không biết sư phụ có bí quyết gì, nhưng cũng vâng lời thầy dạy.

Chiều hôm sau, anh Phật tử họ Tề đã đứng ở chánh điện chờ sư phụ Trí Duyên từ sớm. Sư phụ đem ra quyển nhật ký mà Giới Sân mới mua về lúc sáng đưa cho anh ta.

Anh ta lật quyển nhật ký còn trắng tinh rồi nhìn sư phụ, mù tịt.

Sư phụ cười: “Cùng là một quyển tập đẹp đẽ, tại sao chú không viết những niềm vui, lại viết đầy những tâm tư phiền não như vậy?”.

Sư phụ chìa tay ra, bảo: “Đưa nó cho ta”.

Anh ta trơ ra, rồi chợt hiểu ý, trao vội quyển nhật ký của mình qua tay sư phụ.

Sư phụ dạy: “Quyển nhật ký đẹp đẽ và trắng tinh có thể ghi vào đó những niềm vui, hạnh phúc, cũng có thể ghi vào những phiền não, chú có quyền lựa chọn”.

Tâm người cũng giống vậy thôi, cũng như một quyển sách, tại sao chúng ta không ghi vào đó thật nhiều niềm vui mà lại ghi vào đó những phiền não chằng chịt như vậy?

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Ly nước ít
Trong những thính giả đến chùa nghe kể chuyện, từng có một người rất kỳ lạ. Chú Phật tử này độ chừng 30 tuổi, dáng vẻ phong độ, nhưng khi đi đường lại luôn gục đầu bước tới, không có chút sinh khí nào.
Chú Phật tử nọ chắc không phải là người địa phương, nhưng thời gian đó ngày nào chú cũng đến chùa dạo cảnh, nếu như đúng vào lúc nghe kể chuyện, chú ta lại ngồi yên trong góc chùa, trầm mặc nghe xong chuyện rồi lặng lẽ ra về.
Cuối cùng, có ngày nọ, chú nghe xong chuyện kể, không vội rời khỏi, đi tới trước mặt sư phụ Trí Duyên, đứng im lại một chỗ, hình như muốn nói gì, nhưng chưa nói ra được. Sư phụ Trí Duyên nhìn chú ta, hỏi: “Hình như chú có phiền não gì phải không?”.
Chú ta gật gật đầu. Sư phụ bảo chú ngồi xuống ghế.
Chú bộc bạch: “Con là một người không chỗ dung thân”.
Sư phụ cười hiền: “Thế gian này lớn như vậy, làm sao mà có người không chỗ dung thân?”.
Chú ta thở dài: “Con từng gặp phải quá nhiều thất bại: học hành thất bại, công việc thất bại, tình duyên thất bại,… hết thất bại này đến thất bại khác, từ đó đến giờ không có chuyện nào thành công. Có lúc, con suy nghĩ rằng, có phải là sinh mệnh con đã định là phải sống trong thất bại hay không? Nên con đến trước Phật tìm câu trả lời nhưng chưa tìm ra đáp án, con nay hết cách nên đành thỉnh giáo sư phụ”.
Sư phụ Trí Duyên lại cười, cầm hai chiếc ly thủy tinh để trên bàn, một ly chứa khoảng ba phần nước, một ly chứa khoảng một phần nước. Sư phụ nói: “Trước mặt ta là hai ly nước, biểu thị cho hai người. Ly nước nhiều biểu thị cho người tương đối thành công; ly nước ít biểu thị cho người thất bại như chú”.
Rất nhiều người chắc sẽ thích ly nước nhiều, vì ý nói rằng người đó đã thu hoạch được khá nhiều thành công, nhưng nếu nhìn dưới góc độ khác, ly nước ít, thật ra rất đáng được trân quý; vì nước ít, nên nó có cơ hội chứa thêm nhiều nước, cũng như người hiện tại thất bại, nhưng ngày sau sẽ có nhiều cơ hội hưởng thụ niềm vui thành công.
Nhiều lần thất bại trong quá khứ, sẽ dự báo có nhiều cơ hội thành công trong tương lai.
Thành công và thất bại không nhất định. Thất bại của hôm nay không giống với thất bại của ngày mai, cũng không có nghĩa là ngày mai chắc chắn sẽ thành công.
Ly nước ít sẽ dung nạp được nhiều nước, nhưng chỉ là có thể. Nước trong ly không thể tự đầy, mà muốn cho nó đầy, chúng ta cần phải rót, đó chính là việc không ngừng nỗ lực hết lần này đến lần khác để đổ nước vào ly.
Tấm gương bị vỡ
Còn nhớ năm nọ, có một thời gian khá dài, khi đi ngang qua tiệm của nhà họ Ích, Giới Sân đều không nhìn thấy bà chủ đâu hết, bèn rất lấy làm thắc mắc.
Giới Ngạo đoán mò: hay do bà ta cãi lộn với ông chủ nên đã trở về nhà mẹ ruột rồi?

Giới Sân nghiêng đầu suy nghĩ. Không thể nào! Bất luận là cãi lộn hay đánh lộn, bà chủ tiệm đều luôn chiếm thế thượng phong, đừng nói chi đến việc bỏ về nhà mẹ ruột.
Một tháng sau, nghe đâu bà chủ vừa sanh con gái, thì ra bà đi sanh con.
Bà chủ rất thương yêu con, mỗi năm đều bồng bé đến chùa lễ Phật vài lần để cầu phước và xin Phật gia hộ cho con.
Cô gái nhỏ của bà dễ thương hoạt bát, trong chùa ai cũng thích. Giới Sân ưa lén rờ gương mặt tròn ủm dễ thương của bé. Bé cũng lại thích giỡn cùng với hai chú tiểu Giới Si, Giới Trần.
Sắp sinh nhật bốn tuổi của bé, Giới Trần đề nghị mua quà sinh nhật, Giới Si cũng đồng ý, hai chú xuống trấn cả ngày, đem về một hộp quà gói rất đẹp.
Giới Sân tôi biết tỏng hai chú chẳng có bao tiền, chắc chắn không phải món gì đắt lắm, hỏi hai chú bên trong là cái gì, hai chú đều lắc đầu giữ bí mật.
Hôm bà chủ dẫn con gái đến chùa, Giới Trần đem món quà tặng cho bé. Bà chủ rất ngạc nhiên, sau đó mới biết là hai chú tặng quà sinh nhật cho con gái, bèn rất lấy làm hoan hỷ.
Bé gái nhanh tay mở quà. Giới Sân tò mò nhìn xem, thì ra đó là một tấm gương rất đẹp. Bé gái thích thú chạy chơi cùng chùa, đem tấm gương để dưới nắng, tấm gương khúc xạ ánh mặt trời chiếu vào mặt mọi người, khiến ai cũng không dám mở mắt.
Bà chủ la: Con, không được nghịch ngợm!
Bé gái lè lưỡi, chạy đi chỗ khác chơi. Một chút sau, nghe tiếng trẻ khóc, bà chủ giật mình, cùng mấy chú chạy ra xem thử có chuyện gì.
Bé đang đứng giữa chùa, chiếc gương trong bị tay rớt xuống đất, bể ra thành vài mảnh, bé nhìn vào đó và khóc ầm ĩ.
Bà chủ tưởng con gái có chuyện gì, giờ đã an tâm vì thấy con gái chỉ làm bể tấm gương mà hai chú tiểu đã tặng và cũng có phần ái ngại.
Giới Trần cười vô tư chạy tới an ủi bé, bé gái cứ khóc to. Giới Trần chỉ tấm gương bể và nói với bé: Bé xem tấm gương dưới đất kìa, khi chưa bể thì chỉ nhìn thấy có mỗi một gương mặt, nhưng khi bể thành nhiều mảnh rồi thì sẽ nhìn thấy rất được nhiều gương mặt, bé hãy thử cười chút đi, sẽ nhìn thấy nhiều gương mặt đang cười!
Bé gái liền nhìn xuống đất và cười rất lâu. Tuy tiểu Giới Trần cũng chỉ là một đứa bé, nhưng hắn nói rất đúng!
Trước tấm gương đã bị bể mà khóc, bạn sẽ nhìn thấy nhiều gương mặt đang khóc, chỉ khi bạn nhìn vào đó và cười thì sẽ có nhiều gương mặt đang cười cùng bạn. Phải chăng, đó chính là sự khúc xạ của cuộc đời đối với mỗi chúng ta?

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Cô giáo ưa cãi lộn

Trong trấn có một ngôi trường tiểu học. Trước đây vài năm, do giáo viên dạy kém chất lượng, nên lượng học trò cứ ít ỏi dần. Ông hiệu trưởng rất lấy làm đau đầu, dự định sẽ tuyển một đội ngũ giáo viên có chất lượng. Sau đó, ông đã mời thêm các giáo viên tốt nghiệp từ trường sư phạm để dạy tiểu học, nên thành tích của học sinh càng ngày càng cao. Bộ mặt của trường do đó càng ngày càng khả quan hơn.

Trong số những người mà trường bổ về có một nữ giáo viên giỏi. Có lẽ do điều kiện tìm việc không mấy khả quan nên cô mới đến trấn này để dạy học. Trình độ của cô rất cao, khả năng truyền đạt tốt, tuy còn trẻ nhưng cô rất được xem trọng. Mọi người hay kháo nhau rằng, cô này tương lai sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, đối với mọi người cô đều rất nhiệt tình, nếu có chuyện gì nhờ giúp đỡ, chắc chắn cô sẽ dốc hết sức mình.

Tuy vậy, không phải cô giáo này không có khuyết điểm. Mà khuyết điểm lớn nhất của cô chính là tính nóng nảy. Cô lên lớp hay nặng nhẹ với học trò, khiến hiệu trưởng đã phải nhiều lần khuyên nhủ. Hễ nhìn thấy ai đó làm điều gì không đúng, dù không liên quan đến cô, cô vẫn đến góp ý, có khi còn cãi cọ to tiếng với mọi người.

Có hôm, cô giáo này gây sự với một người trong trấn. Người đó bảo cô hãy về mà kiểm soát lại hành vi bản thân. Cô về tới nhà, suy nghĩ xem mình có gì không đúng, bắt đầu phản tỉnh lại hành động từ trước tới giờ, rằng có làm gì sai không. Suốt đêm, cô xem xét lại những việc đã phát sinh trong giai đoạn này, cảm thấy mọi việc đều chính xác, không tìm được chỗ nào phạm lỗi cả.

Vì điều này mà cô cảm thấy khổ não, nên lên núi thỉnh giáo sư phụ Trí Duyên. Cô kể chuyện vừa mới xảy ra cho sư phụ nghe, kể xong mỗi câu chuyện, cô đều hỏi sư phụ, quan điểm của cô có chính xác không?

Sư phụ Trí Duyên gật đầu nhiều lần, đồng ý với tất cả quan điểm của cô.

Cô lại cảm thấy mình càng không có lỗi. Cô hỏi sư phụ, nếu như tất cả việc làm của cô đều chính xác, vậy thì tại sao có nhiều người không hiểu, lại còn hay gây sự với cô?

Sư phụ đáp: Tuy mỗi việc làm và suy nghĩ của cô đều đúng, nhưng phương pháp xử lý lại có vấn đề. Nếu không nghĩ đến việc mình làm có tổn thương đến lòng tự trọng của người khác hay không, thì làm càng nhiều, làm càng tốt, cũng trở nên vô ích.

Suy nghĩ có khi chính xác, kết quả chưa chắc đã chính xác. Khi xử lý một việc tranh luận, khiêm tốn để thể hiện ý kiến bất đồng của mình là điều vô cùng cần thiết.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Lão tiên sinh quán trà Chiêu Phước
Gần Trấn Diểu có vài khu sản xuất trà, nên người đến trấn mua trà tương đối nhiều. Cả thảy có ba nơi bán trà, một là chợ bán trà trong trấn, hai là xí nghiệp chế biến trà, ba là quán trà Chiêu Phước.
Giới Sân chưa đến các nơi khác, chỉ nghe anh Giới Yên nói phương thức kinh doanh của quán trà Chiêu Phước không giống với các quán trà trên thành thị. Quán trà trên thành thị thường dựa vào việc bán nước trà và thức ăn điểm tâm mà kiếm tiền; còn quán trà Chiêu Phước thì không, ông chủ quán không nhắm vào việc bán nước trà để kiếm tiền, vì cư dân trong trấn ít người quen việc uống trà lúc nhàn rỗi.
Ông chủ Tần tạo quán này làm nơi cho người mua trà và người bán trà đàm phán chuyện mua bán. Quán trà Chiêu Phước chủ yếu kinh doanh hai tháng, vào mùa thu hoạch trà lá tháng 4 và tháng 5, còn thời gian khác chỉ cần duy trì nhịp độ bình thường. Nước trà của quán Chiêu Phước rất rẻ, bình dân 5 cắc một ly, mắc cũng không hơn 2 đồng. Rẻ là rẻ vậy, nhưng trà ở đây ngon nhất, do các ông chủ vườn trà tặng cho quán Chiêu Phước để quảng cáo thương hiệu của mình.
Buôn bán tốt nên có người bắt chước; có hai thí chủ ở thành thị đến nơi này mở quán trà, vị trí gần quán trà Chiêu Phước, chất lượng trà cũng giống nhau, vì cạnh tranh nên bán giá còn rẻ hơn. Vì lẽ này mà quán trà Chiêu Phước bị phân chia bớt khách.
Ông chủ Tần có chút bực mình hai quán kia, nhưng không muốn hạ giá để giành giựt khách, vì thật ra bán nước trà cũng không lời bao nhiêu.
Ông quyết định mở một số hoạt động quảng cáo, cho mời đoàn hát kịch từ trấn bên cạnh về. Diễn viên không nhiều, chỉ có bốn người, một lão tiên sinh và ba đệ tử, nhưng đoàn hát của họ rất có tên tuổi, mỗi tháng đều biểu diển ở quảng trường của trấn. Diễn xuất của họ rất đặc sắc, chỉ cần họ đến, quảng trường luôn luôn đông nghẹt người.
Lão tiên sinh trưởng đoàn hát mang họ Trần, vốn là một Phật tử thuần thành, ông quen với chúng tôi, vì mỗi lần đến trấn Diểu biểu diễn ông đều đến chùa Thiên Minh lạy Phật.
Giữa quán trà Chiêu Phước có một khán đài nhỏ, mỗi tuần sắp xếp một lần để cho ban hát biểu diễn tiết mục. Điều kiện ở đây lại tiện hơn ở quảng trường, ông chủ Tần còn tặng một số tiền chi phí cho ban hát, nên ông trưởng đoàn rất vui được đến quán trà biểu diễn.
Sách lược này rất có hiệu quả, lối biểu diễn đặc sắc của ban hát đã khiến cho việc buôn bán của quán trà ngày một phát triển, hai quán trà mới mở cũng khó duy trì được việc buôn bán của mình.
Có dạo, mỗi khi có ông Trần và ban hát đến quán trà biểu diễn, mấy chú tiểu chúng tôi đều muốn chạy đến xem. Quý sư phụ biết ý của các tiểu quỷ nên cũng không ngăn cản, có vài lần sư phụ Trí Duyên còn dẫn chúng tôi đi xem.
Ông lão Trần nhìn thấy chúng tôi rất vui, khi biểu diễn tiết mục cũng không quên nhắc tới chùa Thiên Minh, khi kết thúc, lại dẫn ban hát đến chùa bái Phật.
Ông lão Trần mỗi khi lên khán đài thường cười rất tươi để lấy lòng khán giả, nhưng ông lại rất nghiêm khắc với học trò. Trên đường đến chùa Thiên Minh, thế nào ông cũng tổng kết các điểm không tốt, thậm chí nhiều chỗ khán giả không hề chú ý. Ông cứ thế chỉ ra, rồi nghiêm khắc phê bình, và đệ tử của ông cứ thế gật đầu vâng dạ.
Sư phụ Trí Duyên nghe nhưng không nói gì. Chỉ đến khi ông lão Trần lạy Phật xong, sư phụ mới mời ông lại, rồi bảo hai chú tiểu Giới Si và Giới Trần đến tụng bài Tâm Kinh Bát Nhã. Ông lão Trần lẳng lặng ngồi nghe.
Sau khi hai tiểu tụng xong, sư phụ hỏi ông Trần cảm thấy như thế nào? Ông nói, hai chú tụng kinh nghe hay lắm!
Sư phụ Trí Duyên bảo, thật ra hai tiểu tụng còn nhiều chỗ trật nhịp, nhưng không ảnh hưởng gì đến cái tâm kính Phật của ông.
Tâm cảnh ông lão Trần luôn nghĩ về Phật, nên không bị sự tụng kinh không chuẩn làm lạc đi. Thật ra, khán giả ngồi xem ở quán trà Chiêu Phước cũng vậy, không vì sự biểu diễn không hoàn mỹ mà ảnh hưởng đến tâm tình.
Có vài việc giống như khi chúng ta thi cử, đạt được 10 điểm cố nhiên là rất tốt, đạt được 9 điểm cũng không có gì là kém, muốn đạt sự tiến bộ là thích đáng, nhưng truy cầu sự tốt đẹp quá đáng, sẽ bị phiền não trói buộc.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Thụt lùi là để tiến lên

Ngoài việc có cái đầu nhẵn ra thì hai tiểu sư đệ Giới Si và Giới Trần cũng không khác gì mấy đứa trẻ tiểu học dưới núi: mỗi ngày hai lần làm bài tập do sư phụ Trí Duyên và sư phụ Trí Huệ phụ trách giảng dạy, thời gian còn lại các chú chỉ lòng vòng chạy nhảy quanh chùa.

Những cách đùa giỡn của mấy đứa trẻ dưới núi được hai chú bắt chước rất nhanh, thỉnh thoảng lại sáng tạo thêm vài trò mới.

Dĩ nhiên các chú không có các thứ đồ chơi mắc tiền, chỉ một vài thứ tự chế như đánh cọc, nhảy dây, đá cầu… Trẻ con dễ dàng phát hiện những niềm vui vốn không liên hệ gì tới tiền bạc.

Hôm nọ, Giới Sân đang quét chùa, chợt nghe hai chú tiểu kêu “ái da, ái da”, bèn ngước đầu lên nhìn, thấy hai chú đang thi nhảy xa, vẽ trên đất một đường dài màu trắng, lần lượt nhảy tới nhảy lui. Giới Sân nghĩ, Giới Trần chắc là thua thôi, vì Giới Si cao to hơn, thường ngày lại hoạt động nhiều hơn.

Tiểu bèn ngồi lên bậc tam cấp nơi sân chùa, nhìn hai chú thi nhảy, không ngờ phát hiện thấy Giới Trần nhảy không thua kém gì Giới Si. Vừa nhảy, hai chú vừa không ngừng tranh cãi xem ai nhảy xa hơn. Giới Ngạo đi ngang, cười ngạo hai tiểu sư đệ: Nhảy ngắn như vậy mà không biết mắc cỡ, còn bày đặt thi với đua.

Hai chú không chịu thua, muốn thi nhảy cùng sư huynh Giới Ngạo. Giới Ngạo đồng ý, một mình chấp hai chú.

Giới Trần, Giới Si cùng thương lượng. Cuộc thi cần có thắng bại, nếu hai chú thắng, sẽ làm sư huynh Giới Ngạo một ngày.

Giới Sân bị cuộc thi thu hút, đứng một bên nhìn hai chú nhảy. Tuy hai chú nhảy không xa, nhưng nếu cộng lại thì cũng không ngắn lắm. Giới Sân đoán, lần này Giới Ngạo sẽ thua chắc thôi.

Tiểu Giới Ngạo nhìn thấy hai chú nhảy, cũng lo lắng, rờ đầu suy nghĩ tìm cách đối phó.

Tới lượt mình, Giới Ngạo chuyển người, thụt lùi mấy bước, lấy đà chạy trợ lực, sau đó phóng nhanh về phía trước. Bước nhảy của chú rất xa, vượt qua cái mức mà hai tiểu đã làm dấu trước đó. Hai tiểu không ngờ sư huynh Giới Ngạo có thủ đoạn, liền nói: Sư huynh ăn gian.

Giới Ngạo thấy rằng mình thắng hai sư đệ theo cách không lấy gì làm hay ho lắm, nhưng cũng lè lưỡi nói: Huynh thắng rồi. Nói xong, tiểu ta liền chạy tuốt vào chánh điện.

Giới Sân chúm miệng cười. Tuy Giới Ngạo dùng thủ đoạn để thắng cuộc thi, nhưng phương pháp đó không phải không có lý.

Trong khi chúng ta xử lý các sự tình, không cứ nhất thiết lúc nào cũng dùng sức để tiến lên. Đôi khi chúng ta cũng phải thối lui một chút để lấy đà. Thối lui nhưng kết quả lại là sự thành công.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Tịnh độ giữa trần gian
Có lần Giới Sân xem Châu Tinh Trì diễn trong Đại nội mật thám 008, còn nhớ trong đó có đoạn thưởng rượu: vị nữ diễn viên cầm ly rượu nho bảo mọi người nếm thử. Hầu hết mọi người đều uống một lần là cạn ly, kết quả họ đều bảo rằng, ly rượu nho này vừa chua vừa chát, không ngon tí nào.
Châu Tinh Trì giải thích: Đây là một ly rượu ngon, chỉ vì phương pháp thưởng rượu của mọi người không đúng. Khí quan cảm thụ vị chua chát nằm ở hai bên lưỡi, còn khí quan cảm thụ vị ngọt ở ngay đầu lưỡi. Muốn thưởng rượu nho cho ngon, quý vị nên cuốn đầu lưỡi lại. Như vậy khí quan cảm thụ vị ngọt nơi đầu lưỡi phát huy tối đa công dụng, tránh được cái vị chua chát ở hai bên lưỡi.
Cuộc sống của con người cũng thế. Chúng ta nên học cách né tránh đi vị chua chát để thể hội được cảm giác ngon ngọt của cuộc đời.
***
Đường trên núi Mao Sơn rất hẹp, được ghép lại từ những viên đá nhỏ màu xanh. Những hòn đá này không biết có tự lúc nào, do không ai phụ trách sửa chữa, có đoạn đá bị bể nhỏ cả, nên rất khó đi lại.
Đêm đó có trận mưa lớn, đường lên Mao Sơn sau khi bị nước mưa ngâm ngập, trở nên lầy lội.
Mấy hôm trước, sư phụ Trí Duyên có bảo mọi người rằng ngày hôm sau sư phụ sẽ ở chùa kể chuyện. Do vậy, dù đường núi không dễ đi, vẫn có nhiều Phật tử đến chùa đúng giờ.
Lộ trình lên núi như vậy, giày dép của mọi người đều dính ít nhiều bùn đất. Quý Phật tử trước khi vào chùa đều dậm chân cho sạch sẽ, nhưng vẫn không hết được bùn sình. Chỉ một lúc sau, tiểu phát hiện trước sân chùa đã la liệt những cục đất bùn.
Tiểu rất bực, xem ra lần sau phải để cái bàn chải ở đây, như vậy các thí chủ mới chà sạch giày dép, vừa khỏi làm bẩn sân chùa, vừa không ảnh hưởng đến các thí chủ khác.
Chợt nghe có tiếng cười sau lưng, tiểu quay đầu nhìn lại, thì ra sư phụ Trí Duyên. Không biết sư phụ đứng sau lưng tiểu từ khi nào. Sư phụ hơi nép người sang một bên, bước vào cái sân nhỏ đầy bùn, cẩn thận từng bước một, mỗi bước lựa vào chỗ sạch để đi.
Đến trước Phật đường, sư phụ quay lại nói với tiểu: Giới Sân, con xem! Bùn tuy nhiều, nhưng đi như vậy giày dép vẫn không bị dơ bẩn.
Chúng ta sống trên đời, làm sao không dơ bẩn được, cho nên phải học cách tìm ra nơi sạch sẽ để bước tới.
Bùn đất nhiều thì sao? Cuộc đời nhiều não loạn thì sao? Thì vẫn còn nơi thanh tịnh thuần khiết. Trong bùn nhơ vẫn còn chỗ cho nước sạch. Quyền chọn lựa luôn ở trong tay bạn.
Học cách nhảy qua những bùn đất li ti là điều vô cùng quan trọng.
Để ánh mắt xuyên qua làn sương trước mặt, chú ý làm chi có sương vướng mắt. Khi ánh mặt trời xuất hiện, những làn sương ám kia sẽ không còn hiện diện nữa.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Có hai chữ người đời ít biết
Trong trấn Diểu có một hộ gia đình nọ, gia cảnh giàu có, rất thèm có đứa con trai, thậm chí chịu đóng tiền phạt để sanh thêm con, nhưng sanh mãi đến lần thứ ba mới được, nên rất yêu chìu. Đứa con trai ấy cứ thấy thức ăn ngon, đồ chơi đẹp thì liền đòi cho bằng được, cũng may là gia đình giàu có nên đều có thể đáp ứng. Bé trai tuy có chút bốc đồng nhưng cũng không hư hỏng gì.
Mùa hạ năm nọ, nhà đó dẫn cậu con trai, đang học lớp ba, lên núi du ngoạn. Họ lễ Phật trong chánh điện, hai vợ chồng toàn khấn nguyện cho con, như hy vọng việc học của con trai sau này sẽ thành đạt, thân thể khỏe mạnh v.v…
Đứa con trai nhìn thấy Giới Si, Giới Trần bằng tuổi cậu đang chạy đi chạy lại trong sân chùa, không ai quản thúc, cũng không cần làm bài tập, liền sanh tâm ngưỡng mộ, nói với cha mẹ rằng cậu muốn ở chùa Thiên Minh một thời gian. Hai vợ chồng khuyên con không được, bèn tìm sư phụ để thương lượng. Quý sư phụ mới đầu không đồng ý, nhưng rồi không chịu nổi cảnh hai vợ chồng cứ năn nỉ ỉ ôi, nên đành phải đồng ý cho đứa trẻ trú lại trong chùa 10 ngày, với điều kiện: nếu muốn ở chùa, cậu bé phải tuân thủ mọi quy luật của chốn thiền môn, các giới cấm của Sa di, ngay chỉ một giới cũng không được phạm.
Đứa trẻ vì nhất định muốn ở chùa nên đồng ý. Cha mẹ cậu bé không an tâm, liền thỉnh sư phụ chiếu cố, khi xuống núi lại sai người mua nhiều đồ ăn, đồ dùng đem lên chùa.
Sư phụ Trí Duyên cho người mang trả, nói đứa bé chỉ ở chùa có 10 hôm, không có gì phải quan trọng hóa vấn đề.
Chập tối, sư phụ Trí Duyên dẫn cậu bé đến thiền đường, giảng cho hắn nghe quy củ. Hắn cứ tò mò nhìn khắp phòng, không ngừng gật đầu, mà chẳng biết có nhớ lời dạy của sư phụ hay không.
Sư phụ Trí Duyên nói xong, cậu nhỏ chuẩn bị đi vào phòng ngủ cùng mấy tiểu. Sư phụ Trí Hằng chợt nói với cậu, chùa còn một quy củ nữa, nếu như phạm hết 10 giới, thì phải dùng đến hình phạt nặng nhất.
Giới Sân lấy làm lạ, vì tiểu đã ở trong chùa lâu như vậy, cũng không biết hình phạt nào nặng nhất dùng để phạt tăng chúng
Cậu bé không quen quy củ, lúc 4 giờ khuya hôm sau vẫn cứ say ngủ, Giới Trần, Giới Si phải kéo hắn ngồi dậy, sợ hắn bị phạt.
Khi tụng kinh khuya, hắn cứ ngủ gà ngủ gật, bị sư phụ Trí Hằng đánh mấy cái. Sư phụ Trí Duyên còn kể chuyện bảo hắn rót trà, hắn lại làm bể ly của khách.
Dần dần, cậu bé phát hiện ra cuộc sống của chùa không hề dễ dàng như cậu nghĩ, không chỉ riêng lề lối sinh hoạt, mà cả chuyện ăn uống cũng khó kham, vì chùa chỉ ăn một ngày 2 bữa.
Ngày nọ, lúc gần tối, sư phụ Trí Hằng lại cản không cho gia đình cậu bé đem thức ăn vặt đến. Buổi tối, cậu bé cứ lăn qua trở lại mãi mới ngủ được. Vài ngày liên tiếp sau đó, hắn phạm hết giới này đến giới khác.
Ngày thứ năm, hắn đã phạm giới tám lần, còn những việc nhỏ nhặt khác thì khỏi phải nói. Buổi chiều, cha mẹ hắn đến thăm, hắn nhào vào lòng cha và mẹ khóc òa, nhất định đòi theo họ xuống núi. Người mẹ ôm con trai vào lòng bật khóc, người cha bên cạnh cũng không ngớt thở dài.
Khi cậu bé sắp xuống núi, cha mẹ hắn còn bảo hắn lại nói lời tạm biệt với các chú tiểu, hắn chỉ dám cầm tay mấy tiểu, sau đó ôm chặt lấy người mẹ không dám buông ra.
Nghe nói hồi trước, mỗi khi cậu ta không nghe lời, hai vợ chồng liền hù cậu, nếu không vâng lời sẽ bị ông Kẹ bắt đi, nhưng chẳng có chút hiệu quả gì. Sau này chỉ cần nói, nếu không vâng lời sẽ đưa trở lại chùa núi, hắn ta liền ngoan ngoãn vâng lời.
Nhiều lần, Giới Sân hỏi sư phụ Trí Hằng rằng hình phạt nghiêm trọng của chùa là gì? Sư phụ cười nói: Chỉ sợ thằng nhỏ không chịu về nhà, nên nói hù nó thôi, chứ thực sự cũng không có gì.
Trên núi Mao Sơn tuy có hương thơm bay phảng phất, nhưng đó không phải là nơi tịnh độ như chúng ta nghĩ; dưới núi Mao Sơn có nhiều việc phiền phức, nhưng không phải là cuộc sống tẻ nhạt.Trên đời có hai chữ mà người đời ít biết, đó chính là hai chữ Tri Túc.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Tâm tùy duyên



Hai tiểu sư đệ Giới Trần và Giới Si rất ham chơi. Mấy chú hay đến Bình Hồ vui đùa, có khi còn kéo cả tiểu Giới Sân đi cùng, nhưng Giới Sân chỉ ngồi nhìn hai chú chơi chứ không tham dự.

Bên bờ Bình Hồ, hai chú đùa rất vui, lúc thì lội xuống chỗ nước cạn để té nước, lúc thì lượm đá trên bờ để ném lia thia, xem viên đá của ai lượn trên mặt nước bao nhiêu lần để tranh hơn thua, (người xuất gia mà còn tâm hơn thua thật là không nên chút nào!).

Nước hồ rất trong. Hồ có nhiều cá, nên có người còn thích ngồi trên bờ câu cá. Hai tiểu thấy họ câu cá, liền hướng mấy viên đá về phía đó, khiến cá sợ không dám cắn câu. Họ thấy vậy liền thở dài, vác cần câu về nhà.

Gần đây, ông Vương dọn nhà đến ở bên bờ Bình Hồ; gia đình ông gồm có ba thành viên, hai vợ chồng và một đứa con trai nhỏ. Chỗ chúng tôi chơi đùa tính ra cũng gần nhà ông, nên họ thường mở cửa sổ ra xem.

Cái kiểu vui vẻ của hai tiểu đã thu hút họ, khiến họ từ trong biệt thự đi ra. Người chồng nhìn chúng tôi rất lâu; vì ông nhìn thấy hai tiểu đùa giỡn nhiều ngày vẫn vui mà không biết chán, lấy làm lạ lùng, nên hỏi Giới Sân: Trò chơi đó có thật là vui hay không? Giới Sân gật đầu bảo, Bình Hồ thật là vui!

Không lâu sau, cạnh chỗ hai chú tiểu chơi đùa, chúng tôi nhìn thấy đứa nhỏ cũng bắt chước chơi trò ném đá, nhưng ném được vài viên, nó liền chán, không muốn ném nữa. Hai vợ chồng tìm đủ mọi cách để kiếm ra trò chơi mới cho đứa con trai nhỏ, nhưng cũng chỉ được vài lần, nó liền không thích. Vài ngày sau, gia đình đó không ra Bình Hồ chơi nữa.

Giới Sân hỏi sư phụ: Tại sao gia đình đó không tìm ra niềm vui bên Bình Hồ?

Sư phụ nói: Cách tìm niềm vui và tìm vật chất vốn không giống nhau. Nếu không có cái tâm tùy duyên, tùy hỷ mà bằng nhiều cách để đạt được niềm vui, thì niềm vui cũng không bền được. Người cố ý tìm kiếm lại cách niềm vui xa hơn. Người vô ý, thuận theo tự nhiên, ngược lại càng tiếp cận được nhiều niềm vui!

Giới Si, Giới Trần không ngừng chạy nhảy tứ tung, trò chơi nào cũng có thể cười vui sảng khoái, vì trong tâm hai chú đã có tâm tùy hỷ, tùy duyên.

Giới Sân ngồi bất động bên bờ hồ, xem mặt hồ nước dợn, đơn giản vậy thôi nhưng vẫn cứ cảm nhận được niềm vui, vì bên trong tiểu đã tiềm tàng tâm thanh tịnh.

Nhiều và ít, giàu và nghèo, động và tịnh… không có liên hệ gì với hạnh phúc, niềm vui. Nếu có được tâm tùy duyên, hài lòng, bất luận chúng ta ở đâu cũng đều có thể tìm được niềm vui, hạnh phúc.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Sự buông bỏ của ông chủ họ Khúc

Lần đầu, tiểu nhìn thấy thí chủ họ Khúc, khi đó ông đang ở trong nhóm khách hành hương, mà đoàn khách này rất đặc biệt, nhiều người trong số họ cầm dụng cụ nhiếp ảnh trong tay. Họ là đoàn làm phim, quay ở gần chùa, đang gặp chút sự cố, chỉ còn cách dừng lại vài ngày, rảnh rỗi không có gì làm, nên họ đến chùa du ngoạn.

Khi lạy Phật, ông Khúc trông rất thành khẩn, tư thế và động tác đều nghiêm trang, có thể thấy ông thông hiểu Phật pháp, ngoài ra còn cạo đầu trọc giống như các tiểu nữa. Sư phụ Trí Hằng nhân dịp này giáo huấn mấy chú chóp sợ việc cạo đầu hàng tháng rằng: Mấy đứa là hàng xuất gia lại không thành khẩn như hàng Phật tử tại gia, ngày thường tìm mấy đứa cạo đầu cứ trốn tới trốn lui, còn lạy Phật thì nghiêng bên này ngả bên nọ.

Chúng tôi biết trong nhóm nghệ sĩ có không ít người quy y Tam Bảo, lòng rất cảm khái, có lẽ vì họ đóng quá nhiều vai diễn nên cảm nhận được luật vô thường, nhân quả của Phật giáo.

Buổi chiều, sư phụ Trí Hằng nghe mấy đồng nghiệp ông Khúc nói, vì ông Khúc bị đầu hói nên cạo đầu cho dễ coi! Do việc này, Giới Sân có ấn tượng sâu sắc với ông Khúc.

Lần thứ hai ông Khúc đến chùa là vào mùa xuân năm ngoái. Lần này Giới Sân thấy ông ta sao lặng lẽ quá, hình như có tâm sự gì đó.

Ông ngồi trước mặt sư phụ Trí Duyên, sư phụ bảo ông hãy giãi bày tâm sự của mình. Ông nói, ông là một đạo diễn, nhưng không nổi danh lắm, nên luôn muốn đạo diễn một bộ phim hay. Năm trước, cơ hội chợt đến dồn dập, một lúc có đến hai hãng phim cùng muốn hợp tác, ông phải nhận lời một phía. Đối tác của ông là một nữ tiến sĩ, xem ra cũng không đến nỗi nào.

Tuy từ chối đạo diễn cho bộ phim kia, nhưng ông nghĩ là mình chọn lựa chính xác. Trên cuộc đời tuy có nhiều người thấy lợi quên ân nhưng ông vẫn giữ vững nguyên tắc của mình.

Có điều, sự tình lại thay đổi. Hôm ký hợp đồng, nữ tiến sĩ bảo quên đem cái mộc, yêu cầu được đem văn kiện về để đóng dấu. Qua vài ngày, ông Khúc thúc hối đối tác ký ước, nữ tiến sĩ không tiếp điện thoại. Ông Khúc sai người hỏi thăm, hóa ra cô ta đã ký hợp đồng với người khác.

Những đợi chờ chỉ là con số không, cơ hội hiếm có cũng đã lỡ dịp. Thời gian đó, ông Khúc tâm tình trống rỗng, có lúc uống rượu để tìm quên, uống say lại gọi điện mắng chửi nữ tiến sĩ. Đầu dây bên kia có khi không tiếp, có khi nghe mà không nói.

Ông Khúc muốn hỏi sư phụ Trí Duyên rằng, chúng ta có nên giữ nguyên tắc? Và liệu người sống tốt có chắc là sẽ có quả báo tốt hay không?

Sư phụ Trí Duyên trả lời: Có vài việc, nếu như không thể thay đổi thì nên buông bỏ!

Ông Khúc nói: Con đã thử buông bỏ, nhưng cuối cùng lại không thể làm được!

Sư phụ Trí Duyên dẫn ông ra ngoài phòng, chỉ lên đỉnh núi Mao Sơn, nói: Chú hãy leo lên đỉnh núi này, những nghi ngờ của chú sẽ được giãi bày.

Ông Khúc bước về phía trước, chực leo lên đỉnh núi, chợt sư phụ Trí Duyên cản lại, chỉ vào lư hương trong chùa, bảo: Chú hãy vác cái lư hương này lên luôn!

Chiếc lư hương đó rất to, lại được chế tạo bằng đồng, không thể nào dời đi được. Ông Khúc ngơ ngác, đứng trước lư hương, dùng hết sức để dời nó, song lư hương vẫn không động đậy, muốn đem nó lên núi là việc không thể.

Sư phụ cười, nói với ông Khúc: Thật ra, mục tiêu của chú là leo lên núi, không mang theo chiếc lư hương cũng được!

Chiều đó, ông Khúc đứng trước lư hương rất lâu, cuối cùng ông thở dài và cười, cầm chiếc điện thoại gởi tin nhắn cho nữ tiến sĩ, rồi tạm biệt chùa xuống núi.

Có dạo, Giới Sân lại gặp ông Khúc. Lần này ông đội cái mũ, Giới Sân không biết tóc ông đã mọc ra nhiều chưa, nhưng nhìn ra tâm tình của ông đã tốt hơn lúc trước. Đồng nghiệp của ông nói, không lâu trước đó ông đã lãnh được tiền thưởng.

Ông Khúc nhìn Giới Sân cười một cách đắc ý. Giới Sân hỏi xem chuyện lần trước diễn ra như thế nào? Ông Khúc bảo, lúc đó ông gởi tin nhắn cho nữ tiến sĩ, nói: “Tôi không ghét cô nữa, vì mục tiêu của tôi là leo lên đỉnh núi!”. Sau đó, ông bỏ số điện thoại của cô ta.

Chúng ta còn nhiều việc quan trọng để làm hơn là thù hận.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Con đường không có điểm cuối



Rất nhiều năm trước, phòng ốc của chùa Thiên Minh rất ít, hậu viện chỉ có hai căn phòng nhỏ, lúc đó người trong chùa ít nên cũng vừa đủ ở.

Giới Sân ở trong căn phòng được xây tạm lúc trước. Có lẽ do xây vội nên chất lượng có vấn đề, mỗi khi trời mưa, phòng ốc khắp nơi đều thấm nước, nhìn qua bức tường rạn nứt có thể thấy cả bên ngoài. Gần đây, căn phòng lại còn phát ra tiếng kêu rắc rắc, càng lúc càng to, ban đêm tiểu thấp thỏm lo âu mà ngủ, sợ nóc phòng bất chừng sập xuống.

Quý Sư phụ nói: Chắc là phải lo sửa chữa phòng ốc lại rồi!

Khi các công trình sư đến, họ đều nói, phòng ốc cũ kỹ quá, phải làm mới lại thôi. Nếu xây lại, thì không có chỗ ngủ nghỉ, quý huynh đệ phải dời ra phòng khách trú tạm, nhưng phòng khách ngoài đó cũng nhỏ, không thể trú hết.

Sư phụ Trí Duyên bảo, các đệ tử nào có gia đình ở gần, có thể về nhà ở tạm vài bữa, trong đó có Giới Sân. Vâng lời sư phụ, tiểu chuẩn bị vài bộ đồ rồi xuống núi.

Từ khi rời nhà đến giờ, mỗi năm Giới Sân đều có dịp về nhà, nhưng mỗi lần như vậy đều rất gấp gáp. Thôn nhỏ trong núi, sau khi mưa đường lầy lội, lại gần đến mùa thu hoạch, những thân cây lâu năm đầy dấu tích bên đường…, hình ảnh này vô cùng quen thuộc với Giới Sân. Chỉ là Giới Sân không còn thuộc về nơi này nữa, cũng giống như nơi này không thuộc về Giới Sân.

Mẹ đang ngồi trong nhà lặt rau, tiểu bước đến gần, nhẹ nhàng gọi mẹ. Mẹ ngẩng đầu lên, nhìn thấy tiểu, biểu lộ sự ngạc nhiên và niềm vui tràn trề trên nét mặt của bà.

Mẹ hỏi, có chuyện gì mà hôm nay về nhà; tiểu kể cho mẹ nghe nguyên do. Mẹ đưa tay ra kéo tiểu, nhưng nửa chừng vội rút tay về, hình như mẹ cảm thấy trong tay có ít bùn, bèn dùng sức quẹt vào bộ đồ trên người cho sạch.

Rồi mẹ lại nắm chặt tay tiểu, kéo vào phòng. Em trai Tiểu Sanh trong phòng chạy ra, vui mừng tươi cười nhìn Giới Sân. Nó nhè nhẹ rờ đầu anh trai. Con nít thay đổi nhanh chóng, mỗi lần Giới Sân nhìn thấy nó, hình như nó đều cao lên trông thấy.

Giới Sân ngồi trên chiếc ghế nhỏ trước mặt mẹ, lấy ít rau trong rỗ cùng lặt với bà. Giống như thường lệ, mẹ lại hỏi việc trong chùa. Cuộc sống của tiểu quá đơn giản, đơn giản đến nỗi chỉ cần nói là “tốt tốt” để trả lời cho mẹ. Rồi tiểu kể chuyện, nào là quý Sư phụ nè, Giới Ngạo nè, Giới Trần nè, Giới Si nè, lại còn Giới Ngôn nữa. Mẹ lặng lẽ lắng nghe, lặng lẽ mỉm cười. Không phải việc vui mà cười, chỉ vì lòng mẹ đang vui nên mới cười đó thôi! Hình như chưa có dịp nào Giới Sân nói chuyện với mẹ lâu như vậy.

Mẹ còn hỏi: Chú Giới Trần hiện nay còn đái dầm vào chăn màn không? Tiểu cười: Đó là chuyện từ lâu lắm rồi, Giới Trần đã không còn phạm nữa! Mẹ cười: Vậy thì tốt, mẹ cứ lo nửa đêm chú không có chăn đắp!

Chỗ ngủ của nhà chỉ có một phòng lớn, nên mẹ dùng màn để ngăn phòng ra, tiểu ngủ phía trong. Đèn đã tắt từ lâu, tiểu mượn ánh trăng để nhìn quanh căn phòng vừa quen thuộc vừa xa lạ. Mười năm trước, cái màn ngăn cách phòng ngủ là một tấm vải bố cũ kỹ chứ không phải cái màn này, người ngủ trong đó cũng đã đổi thay rất nhiều.

Tiểu nhắm mắt lại, nghe cái màn có mùi nắng, và sau bức màn có người nhè nhẹ trở mình. Đêm nay, khó ngủ không phải chỉ có mỗi Giới Sân!

… Đi trong thôn nhỏ, có người đang gọi tên hồi trước của tiểu, cảm giác hình như không phải gọi tiểu, cái tên ấy đã rời tiểu từ lâu lắm rồi.


***


Mỗi ngày mẹ đều làm cơm chay, tiểu nghĩ chắc là do mình về nhà. Mẹ cứ liên tiếp hỏi: Có hợp khẩu vị không? Tiểu nói: Nấu ngon hơn sư phụ Trí Hằng nhiều. Mẹ cười vui.

Hôm đó, tiểu nói: Mấy chú xây dựng nói, chỉ chừng 5 ngày là xong. Mẹ hỏi: Vậy hôm nay chú phải về lại chùa sao? Tiểu im lặng gật đầu. Mẹ nói: Để mẹ đưa chú đến đầu thôn!

Vẫn cứ im lặng gật đầu. Người trước người sau đi trên con đường đến chỗ đón xe. Tiểu đã từng ở nơi này từng bước trở về, rồi lại ra đi. Thời tiết hình như không tốt, đường đi hơi tối, tiểu cúi đầu đi, mẹ cũng không nói gì, chỉ theo đằng sau.

Đứng trên gò đất đầu thôn, quay người lại, tiểu không dám nhìn vào mắt mẹ, sợ bà lại nhìn thấy vật trong mắt mình. Tiểu nói: Đã đến cuối đường rồi. Mẹ đưa túi xách cho tiểu, hình như muốn nói điều gì, lại ngập ngừng không nói.

Tiểu nhắc: Chỉ còn chuyến xe cuối cùng thôi. Quay người đi, chú còn nghe sau lưng tiếng mẹ lẩm bẩm: Sao mà tới nhanh quá!

Phải chăng, bất luận là đoạn đường dài bao nhiêu, bước chân chậm đến thế nào, thời khắc cuối cũng đến.

Tiểu nhẹ nhẹ bước về phía trước, cứ đi đến khi hai bên không thấy rõ mặt nhau mới quay người lại, dùng hết sức để vẫy tay chào mẹ. Mẹ vẫn còn đứng chỗ cũ, cùng vẫy tay với tiểu. Tiểu đi về phía trước, biết là mẹ sẽ chờ chú cho đến khi không còn nhìn thấy nữa mới chịu quay về.

Phải chăng tiểu đi đến cuối đường? Có lẽ không phải, con đường đó chỉ mới là điểm bắt đầu thôi.

Tiểu mở túi xách ra, bên trong có rất nhiều đồ ăn vặt, toàn là những thứ mà mười năm trước tiểu thích ăn.

Mười năm, nhiều việc đổi thay, nhưng cũng có nhiều việc không hề thay đổi.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Tấm ảnh chụp chung



Lâu lâu, Mao Sơn lại có khách hành hương ghé đến tham quan. Gặp lúc thời tiết tốt, khách nhiều hơn đôi chút; gặp khi thời tiết xấu, khách ít đi dăm phần.

Vào những ngày đẹp trời, Giới Sân thường thích vào đám cây rừng gần đó để đọc kinh sách. Buổi sáng hôm ấy, Giới Sân cầm quyển kinh chuẩn bị bước đi ra, đang mở cổng chùa thì chợt nhìn thấy có hai thí chủ một nam, một nữ đang đứng lớ ngớ ở đó. Hai thí chủ trông thấy tiểu liền tiến đến gần, lịch sự hỏi thăm về địa hình của núi. Thì ra hai người này đi du lịch theo kiểu tự do, vừa du ngoạn đến Mao Sơn.

Tiểu giới thiệu sơ qua một vài phong cảnh Mao Sơn, vẽ sơ sơ vài đường để thí chủ nhìn thấy mà tham quan cho dễ.

Nữ thí chủ chợt hỏi: Địa thế núi này rất vắng vẻ, lại chưa được khai phát, vậy trong núi có thú dữ không? Tiểu cười lắc đầu, tuy Mao Sơn có không hiếm động vật, nhưng chỉ là một vài chú sóc hoặc thỏ hoang, rất hiếm loại động vật lớn và hung dữ. Nếu luận về thể hình, thì chú chó Giới Ngôn của chùa cũng thuộc vào hàng top ten!

Hẳn nhiên, tiểu cũng nhắc nhở cô Phật tử rằng, tuy núi không có các loại thú dữ, nhưng cũng không hiếm các loài côn trùng như kiến, chuột, rắn... Hai người lắng nghe lời dặn dò xong, liền vào núi tham quan.

Giới Sân thật cũng có nhân duyên với hai người đó. Lúc rảnh rỗi buổi chiều, tiểu đang quét sân, định hốt rác đem đổ ra ngoài, vừa mở cửa chùa, lại gặp hai thí chủ. Có lẽ không nghĩ có chuyện trùng hợp xảy ra, nên hai bên cứ ngẩn người ra, rồi cười.

Hai vị thí chủ nói, họ tham quan cả ngày, đi vòng hết Mao Sơn; tuy ở đây không phải chốn danh lam thắng cảnh, nhưng phong cảnh thiên nhiên trong lành, an tịnh khiến họ rất vui, chụp nhiều hình, thu hoạch cũng được nhiều thứ. Chợt cô Phật tử hỏi tiểu, không biết chùa có máy vi tính hay không, vì bộ nhớ máy ảnh của cô đã đầy, cần chuyển hình vào ổ USB.

Tiểu dẫn hai người vào phòng vi tính, đúng lúc Giới Ngạo đang ở trong đó, hai thí chủ người chọn hình, người hưng phấn kể cho hai tiểu nghe việc chụp hình hồi trưa. Những cảnh này không có xa lạ gì với các tiểu, nhưng họ có góc nhìn nghệ thuật, nên chụp ảnh rất đẹp.

Thí chủ đang mở từng tấm ảnh cho hai tiểu xem, khi đến tấm nữ thí chủ chụp trong rừng trúc, Giới Ngạo chợt chen vào một câu: Tấm ảnh chụp chung này thật đẹp!

Giới Sân nhìn tấm ảnh, chỉ thấy một mình cô ta đang đứng trong đám trúc, đâu có chụp chung với ai; hai người kia cũng thắc mắc, và cả ba ngạc nhiên nhìn Giới Ngạo. Tiểu ta đưa tay chỉ vào tấm hình, nói: Huynh nhìn đi!

Theo ngón tay của tiểu, Giới Sân chợt phát hiện ra, cách guơng mặt của cô Phật tử chừng mười phân, có một chú rắn nước nhỏ. Tuy biết đây không phải là loại rắn độc, nhưng Giới Sân vẫn cảm thấy nể phục cô Phật tử bội phần: cô dám đứng gần rắn mà chụp hình, khả năng bị rắn cắn là rất có thể xảy ra!

Nhưng bái phục chưa được ba giây, vị nữ thí chủ đã chợt la oai oái, khiến hai tiểu hết cả hồn. Giới Ngôn đang nằm ngủ ngon trên chiếc đôn nhỏ, cũng giựt mình té xuống, không biết xảy ra chuyện gì, nhìn về phía tiểu rồi cụp đuôi chạy biến.

Nữ thí chủ lập cập nói: Sao mà có rắn như vậy, thật là sợ chết người!

Thì ra, lúc chụp hình, cô không hề biết có chú rắn nằm kế bên. Xem cô gái trong hình, cô đang mỉm cười mím chi nhìn ống kính, thần thái rất nhẹ nhàng, hoàn toàn không biết hiểm nguy chỉ chừng trong gang tấc. Khi nguy hiểm đến, cô thật bình tĩnh; khi nguy hiểm đã rời xa, cô lại sợ hãi như vậy. Thật là kỳ lạ!

Thật ra, không có chút gì là lạ, nếu như chúng ta không để tâm, với những nỗi sợ hãi và đau khổ, chúng ta sẽ nhẹ nhàng vượt qua.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Tượng Phật Quan Âm bằng ngọc



Năm đó, có mấy cô Phật tử lớn tuổi đến chùa; người trưởng đoàn chính là cô Phật tử họ Lý có chồng làm quan chức trên thành thị. Họ đến chùa Thiên Minh vì bà Lý quảng cáo rằng từ khi bà đến chùa này lễ Phật cho đến bây giờ, chồng bà mỗi năm đều thăng quan tiến chức. Lời nói của bà Lý khiến cho mấy người kia cảm thấy hứng thú, yêu cầu bà Lý tổ chức cho nhóm họ đến chùa Thiên Minh lễ Phật.

Mấy cô Phật tử đeo đồ trang sức ngọc châu quý giá, sau khi thắp nhang lạy Phật, liền đi dạo quanh chùa, gặp lúc sư phụ Trí Duyên đang kể chuyện trong chánh điện, tiện thể ngồi nghe, không ngờ bị câu chuyện cuốn hút, im lặng nghe sư phụ kể hết câu chuyện. Sau đó, họ đến trước mặt sư phụ Trí Duyên, mồm năm miệng mười khen câu chuyện sư phụ kể thật có đạo lý, nói từ đó tới giờ họ chưa bao giờ được mở rộng tầm mắt như hôm nay. Một cô Phật tử còn nói rằng cô vốn chăng thích đến chùa này, vì chùa nhỏ quá, lạy Phật chưa chắc có hiệu quả, bây giờ lại cảm thấy mình sai lầm vì đã đánh giá thấp chùa này. Vài cô Phật tử lại thỉnh sư phụ dạy một chút về tri thức Phật học, mới đầu là thỉnh dạy những quyển kinh phù hợp với trình độ của họ, giảng một hồi lại đến vấn đề đeo trang sức gì mới phù hợp để niệm Phật?!

Có cô Phật tử đắc ý lấy trong người ra một tượng Quan Âm bằng ngọc nhỏ rất đẹp. Giới Sân không biết gì về giá trị của ngọc Quan Âm, nhưng có thể nhìn thấy tượng Quan Âm đó được điêu khắc hết sức tinh tế, mấy cô cứ chuyền tay nhau xem, ai cũng bảo đây là loại ngọc tốt. Cô Phật tử nọ có vẻ đắc ý, nói với sư phụ, răng tượng Quan Âm bằng ngọc này là do cô mua từ Miến Điện về, giá tiền rất mắc.

Sư phụ Trí Duyên nghe xong liền cười vui vẻ, lấy trong người ra một tượng Quan Âm bằng ngọc, nói với mấy cô, ngọc Quan Âm này là báu vật của chua. Cô Phật tử đó nghe xong tỏ vẻ mắc cỡ, hỏi sư phụ có muốn bán pho tượng không? Cô ta đưa ra một cái giá rất cao. Sư phụ cười, viên ngọc Quan Âm này mà chuyển nhượng là chuyện không thể xảy ra, nhưng nếu như muốn cầu phước cầu an, có thể để cho quý Phật tử lễ lạy. Sư phụ đặt ngọc Quan Âm lên trước lư hương nhỏ, quý cô lần lượt đến khấn vái.

Tượng ngọc Quan Âm này, Giới Sân đã từng nhìn qua. Năm nọ, có một người đem ngọc khí đến chùa trải tâm vải bày bán, đến khi gần chuyển đi, ông chủ bán ngọc có nhã ý tặng cho sư phụ một tượng ngọc Quan Âm, giá cũng không mắc lắm. Đợi họ khấn vái xong, sư phụ cười nói, nếu bàn về giá tiền của ngọc Quan Âm, thật ra tượng này không thể nào so với tượng của quý cô, nhưng nếu nói về vấn đề lễ lạy Phật Tổ, hai tượng ngọc Quan Âm này không có gì khác nhau cả! Nếu như đeo ngọc Quan Âm là để cầu Phật gia hộ, thì không nên dùng tiền bạc để so sánh giá trị của nó, trong lòng của chúng ta muốn lễ lạy chính là đức hạnh của Phật chứ không phải là muốn lễ bái tài sản của Phật.
Mấy cô Phật tử đó có chút hổ thẹn, gật đầu vâng lời.


Trong cuộc sống, những chuyện như vậy thường hay xảy ra. Đối đãi với người nào đó, chúng ta thường xem trọng sự giàu có và địa vị của họ và coi nhẹ tinh thần cũng như trí huệ mà người đó có được.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Hòn đá núi Hiện Sơn



Gần Mao Sơn có nhiều núi nhỏ, trong đó có núi Hiện Sơn. Hiện Sơn rất nhỏ, chỉ vài ngọn đồi hợp thành, nhưng lại rất đặc biệt. Nếu như đi dọc theo dốc núi, sẽ nhìn thấy một trũng đá vụn dài, người ta gọi là cốc đá, không có cây cối sanh trưởng, không có nước chảy, đá vụn nhỏ to trong cốc tích tụ thành đống, tạo hình trông rất lạ mắt.

Tiểu không biết địa mạo đặc thù đó hình thành như thế nào, chỉ là nghe sư phụ Trí Huệ nói, nơi này từng có giếng nước trong, nhưng không hiểu sao tự nhiên khô cạn, tạo thành địa hình đặc biệt như vậy.

Có khoảng thời gian không xuống trấn Diểu, trấn thay đổi rất nhiều, tiểu cùng Giới Ngạo đi ngang qua quãng trường của trấn, phát hiện nhiều cửa hiệu nhỏ bán hàng thủ công mỹ nghệ, họ trưng bày rất nhiều sản phẩm đá, gồm các loại đá dùng để bỏ vào trong bồn hoa nhỏ, loại đá đã được dựng thành hòn non bộ,… chất đống trước các cửa hiệu.

Tiểu quay sang hỏi Giới Ngạo: Lúc này làm gì mà các thí chủ rộ lên phong trào bán sản phẩm đá công nghệ vậy hè?

Giới Ngạo nói: Huynh không để ý thấy sao? Gần đây ở núi Hiện Sơn có nhiều người đến tìm đá lắm.

Tiểu nhớ lại, thấy quả thực là như vậy. Những khi tiểu lang thang trên dốc núi, thường nhìn thấy có vài thí chủ nhặt đá, giờ xem lại có liên quan đến cái vụ buôn bán này.

Khi chuẩn bị đi xuyên qua quãng trường, tiểu chợt nghe có ai đó chào hỏi bên tai, nhìn lại, hóa ra là người quen: ông chủ cửa tiệm đá họ Lý.

Đến gần ông Lý, nhìn thấy ông ta đang chọn lựa đá trong đống đá trước mặt, tiểu có chút ngạc nhiên, liền hỏi ông đang làm gì?

Ông Lý nói: Gần đây có nhiều khách muốn mua sản phẩm đá công nghệ, hôm qua nhờ mấy đứa lên núi vác về một ít, hôm nay phải chọn lại, rồi gia công, bán ra!

Tiểu nhìn kỹ lại, thấy đống đá bên trái ông Lý đã được chọn để gia công làm thành phẩm, đống bên phải là những hòn đá bị đào thải, dùng làm đá lót đường.

Nhìn đá được phân thành hai đống, tiểu thấy hình như cũng chẳng có gì khác biệt mấy, liền hỏi ông Lý: Ông dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn ra đống đá đó?

Ông Lý đáp: Dựa vào cảm giác!

Vận mệnh của mỗi viên đá tùy thuộc vào cảm giác của ông Lý - hoặc là sẽ được người đời chiêm ngưỡng, hoặc là sẽ bị người đời đạp bỏ dưới chân. Con người có thể cũng như vậy, cho dù có cùng phẩm chất, chỉ vì một biến cố nhỏ, có thể liền sinh ra cuộc sống khác nhau. Đại đa số người đời bị vận mệnh chi phối, không có cách nào kháng cự.

Vận mệnh có khi bất công, chúng ta không có sức thay đổi; chúng ta có thể oán hận nó, nhưng tốt hơn hết là cần phải mỉm cười để tiếp nhận cuộc sống của mình, cũng như các viên đá vui vẻ nằm dưới chân người, không được chọn làm sản phẩm công nghệ, dù bị người đạp lên, vẫn lắc cắc vui vẻ!

Dù bất cứ nơi nào, bất cứ thời khắc nào, kẻ ngăn cản chúng ta cười chỉ có thể là chính chúng ta.

Niềm vui hiện diện nơi chúng ta với tay đến, khi chúng ta muốn vui, chúng ta có thể có niềm vui!

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Điện thoại của Giám đốc Vương



Một buổi chiều gần tối, trong khi quét chùa, Giới Sân nhặt được một chiếc điện thoại di động màu đen. Quý sư huynh biết chuyện, đoán là của một vị Phật tử nào đó bỏ quên.

Chiếc điện thoại dáng dấp hiện đại, trông lớn hơn chiếc điện thoại của Giới Ngạo nhiều.

Sư phụ Trí Duyên nói, người nào làm mất điện thoại chắc chắn sẽ gọi điện đến hỏi, nên bảo tiểu giữ bên mình để người đó liên lạc lại. Thầy còn cẩn thận căn dặn là chẳng nên xem bất kỳ tin nhắn nào của Phật tử, bởi phép lịch sự không được tìm hiểu đời sống riêng tư của người ta.

Giới Sân đem điện thoại di động đặt trên bàn gần chiếc đơn. Suốt ngày không thấy động tịnh gì, tiểu bèn cầm lên xem, mới phát hiện vì máy hết pin nên đã tắt mất nguồn.

Tiểu vội chạy xuống trấn mua đồ sạc pin, về chùa cắm vào sạc. Mới có chút pin, điện thoại liền đổ liên hồi, hết cuộc này đến cuộc khác. Chủ máy có lẽ là người buôn bán lớn, nên mỗi lần nghe gọi, vừa nhấc máy lên a lô, Giới Sân đã giựt chắt cả mình, bởi họ cứ gọi tiểu là Giám đốc Vương, thái độ cũng rất khác nhau, có người lễ phép, có người giận dữ, có người nhẹ nhàng, từ tốn,… toàn là tìm Giám đốc Vương để giải quyết công việc, chỉ lạ một điều là ông chủ họ Vương nọ lại không hề gọi đến.

Tiếp điện thoại mấy ngày liền, Giới Sân đúng là bị việc này làm cho phiền phức, bởi người ta gọi đến quá nhiều. Tiểu đem việc trình lên quý sư phụ, quý sư phụ cũng cảm thấy rất lạ; xem ra chiếc di động này đối với chủ nó là hết sức quan trọng, nhưng tại sao chủ nó lại không chịu liên lạc?

Việc này trải qua mấy ngày liên tiếp, Giới Sân thật tình chịu hết xiết, bèn mở danh bạ liên lạc điện thoại ra xem. Thấy có số di động của vợ chủ nhân, tiểu bèn điện thoại cho người này.

Người phụ nữ tiếp điện thoại xong rất ngạc nhiên, cô nói, chủ máy di động là chồng cô, đang ngồi bên cạnh cô, hai người đang nghỉ mát mấy ngày, khoảng vài bữa sau thì đến chùa nhận điện thoại.

Giới Sân đã biết được tông tích nên khóa máy, đợi chủ nó đến nhận lại. Vài ngày sau, có người đàn ông đến xưng họ Vương, tiểu quan sát thấy ông này tướng tá phốp pháp, đúng là người làm ăn buôn bán. Hỏi dò thân phận xong, tiểu bèn trao di động lại cho ông ta.

Giới Sân đem thắc mắc của mình ra hỏi, rằng tại sao chiếc điện thoại quan trọng như vậy mà không liên lạc để nhận lại? Ông Vương tâm sự, nhà ông tự mở công ty thương mại, thường ngày vô cùng bận rộn, lần này ông đặc biệt xả hơi cùng vợ đi du lịch vài ngày, song vẫn có nhiều cú điện thoại liên lạc làm ăn. Bữa di động bị mất, thật cũng rất lo lắng, vì không biết làm sao mà khách hàng có thể liên lạc với mình. Ông cứ nghĩ là bị ăn trộm lấy mất, vì gọi vào số đó lần nào cũng nghe báo khóa máy, nên thôi không điện nữa!

Ngày đầu không có ai liên lạc, ông Vương cảm thấy khó chịu, lo lắng vì mất điện thoại là mất nhiều hợp đồng làm ăn quan trọng. Nhưng sau một ngày không bị bận rộn vì những cú điện thoại, ông chợt cảm thấy lòng thảnh thơi. Lâu lắm rồi ông chưa có điều kiện du lịch cùng vợ con mà không bị ai quấy nhiễu như thế. Trong lòng ông nghĩ, dù sao thì điện thoại cũng bị mất rồi, may là danh sách liên lạc trong điện thoại di động, ông cũng còn lưu lại, nên không lo gì lắm. Thôi thì nhân cơ hội này đi du lịch nghỉ mát với vợ con một cách thật trọn vẹn.

Ông Vương chắc chắn đã từng nghĩ rằng điện thoại di động đối với ông rất quan trọng, vì nó chính là công cụ để giúp ông phát triển con đường kinh doanh. Nhưng một khi nó mất đi, ông Vương lại tìm ra được điều quan trọng hơn, đó chính là ngoài chuyện chạy theo danh lợi ra, con người ta cần phải tìm thấy cuộc sống an nhàn, thảnh thơi.

Chúng ta thường nói có vài người, vài việc, khi mất đi mới phát hiện là quan trọng, tuy nhiên, bất cứ chuyện gì cũng có tính hai mặt, có vài sự vật, khi mất đi, chúng ta mới phát hiện nó không quan trọng gì, ngược lại hết sức phiền phức, rối rắm!

ruounutchuoi


Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Thú vị đấy, nhưng lão chủ tịch toàn dậy sớm giặt tã cho con hay sao mà lên mạng sớm thế .... Những câu chuyện thú vị Icon_biggrin

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 2 trang]

Chuyển đến trang : 1, 2  Next

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết