PTTH Nguyễn Khuyến Nam Định khóa 1991-1994
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

PTTH Nguyễn Khuyến Nam Định khóa 1991-1994


You are not connected. Please login or register

Những câu chuyện thú vị

2 posters

Chuyển đến trang : Previous  1, 2

Go down  Thông điệp [Trang 2 trong tổng số 2 trang]

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

namnx đã viết:Thú vị đấy, nhưng lão chủ tịch toàn dậy sớm giặt tã cho con hay sao mà lên mạng sớm thế .... Những câu chuyện thú vị - Page 2 Icon_biggrin
Lão KBT chỉ được cái nói đúng.... một nửa(nửa đầu thôi ) Những câu chuyện thú vị - Page 2 Icon_lol.
Mà lão bảo vệ bảo viếc thế nào rồi chẳng thấy thông báo gì cả, sợ ae bắt khao hả, hay đợi nhận bằng mới khao đây???

ruounutchuoi


Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Báo cáo bà con là em bảo vệ xong hôm 17/10 rùi, mọi việc tốt đẹp cả. Thế bây giờ mới có thời gian yết kiến các lão. Ơ, thế lão dậy sớm không giặt tã thì làm gì thế?? Hay chưa đủ 3 tháng nên khó ngủ đớ !!!!!! Những câu chuyện thú vị - Page 2 Icon_lol

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Chiếc quần Jean bị rách



Còn nhớ lần nọ có hai nữ thí chủ đến chùa, gương mặt họ trông khá giống nhau, đoán tuổi tác chắc họ là mẹ con, nhưng nhìn thần thái hai người lại có vẻ không tự nhiên cho lắm; cả hai không nói gì nhiều, lại tránh ánh mắt của nhau, cứ thế lặng lẽ vào chánh điện lạy Phật.

Người mẹ quen với sư phụ Trí Huệ, nên sau khi lễ Phật xong, bà để con gái đi vòng vãn cảnh chùa, một mình vào thỉnh giáo chuyện học Phật, chuyện gia đình với sư phụ.

Sư phụ hình như hiểu được tâm sự của bà mẹ, liền dò hỏi, thì ra hai mẹ con vừa cãi cọ xong, nguyên nhân là do chiếc quần của cô con gái!

Cô con gái năm nay công việc vừa ổn định, có đồng ra đồng vào, liền mua cho mẹ chút ít đồ dùng, lại tự mua cho mình một cái quần jean.

Thời trang của giới trẻ dưới núi thật lạ. Ngày thường Giới Si mặc áo rách chạy chơi trong chùa, khách hành hương cảm thấy chú tiểu thật tội nghiệp, đến y phục cũng không được lành lặn, nhưng mấy năm nay thường thấy các cô cậu trẻ tuổi cố ý mặc chiếc quần jean rách toẹt.

Bà mẹ thấy quần mới của con bị rách, cho là con gái không cẩn thận, nên khéo léo chọn miếng vải phù hợp với màu quần mà khâu vá lại.

Sáng hôm sau, bà mẹ đem chiếc quần vá xong đưa cho con gái. Vì việc này, hai mẹ con tranh cãi dữ dội. Con gái trách mẹ chưa hỏi mình mà đem chiếc quần đi vá, người mẹ bị tổn thương khi tấm lòng thương con của mình bị chính con gái phủ nhận.

Sau khi người mẹ đi ra ngoài, sư phụ Trí Huệ bảo Giới Sân kêu người con gái vào cho sư phụ nói chuyện. Giới Sân đang lau kiếng gần đó, nhìn thấy cô con gái cúi đầu nghe sư phụ. Sư phụ từ tốn cười nói, cô lẳng lặng ngồi nghe, sau đó rất lâu, cô nhè nhẹ gật đầu.

Một lát sau, Giới Sân nhìn thấy hai mẹ con ngồi ở băng đá sau chùa, hình như là vừa khóc xong.

Cái hiểu biết của chính mình, không phải cũng là cái hiểu biết của người khác; đúng sai phải trái, thường không rõ ràng, không có ranh giới hay tiêu chuẩn nào.

Khi trách móc người khác, cũng nên nghĩ đến cái sai của người là do đâu? Nếu như không phải từ ý xấu, không gây nên hậu quả, thì có nên trách mắng người không?

Khi gây gổ nên chăng nghĩ rằng, có mẹ trên đời là để cho con thương yêu và ngược lại, vì còn biết bao nhiêu người trên thế gian đến thiên chức làm mẹ, làm con cũng còn không có được.

Chiều hôm đó, hai mẹ con thân thiết tay nắm tay xuống núi, như chưa từng xảy ra việc cãi cọ.

Người con gái chợt quay lại vẫy tay tạm biệt mấy tiểu. Giới Sân cũng chắp tay đáp trả, liền phát hiện cái quần jean của cô con gái - thì ra người mẹ không khéo lắm, từ xa đã có thể nhìn ra màu quần và màu vải vá không giống nhau. Nhưng chỗ vá hình như có hình trái tim…

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Đi dưới trời xanh

Sư phụ của chúng tôi nhận vài vị đệ tử tại gia, trong đó có vị gọi là Giới Yên (có nghĩa là cấm hút thuốc); pháp danh này là do người đó yêu cầu, lý do đơn giản là vị này muốn chính mình ngăn ngừa việc hút thuốc.

Họ tên chỉ là để phân biệt người này với người kia, cùng một tên gọi chưa chắc chỉ một người, tên gọi không giống cũng chưa chắc là hai người.

Người gọi Giới Yên, vẫn có thể ngăn ngừa tham, sân, si.

Giới Yên buôn bán bất động sản ở Thượng Hải, mỗi năm anh đều đến chùa vài lần. Vài năm gần đây, mỗi lần anh ấy ghé chùa đều cười thiệt tươi.

Sư phụ Trí Duyên bảo chúng tôi, đó là hiệu quả của việc tu hành, sau khi tu hành lãnh ngộ, Phật pháp thâm nhập vào tâm linh, có thể khiến người tâm tình thư thái.

Ông chủ Tôn cho rằng anh Giới Yên vui như vậy vì giá đất gần đây tăng cao.

Hai tiểu sư đệ Giới Trần, Giới Si trong chùa rất thích anh Giới Yên. Mỗi lần anh ấy ghé thăm chùa đều mang rất nhiều thức ăn uống, cùng đồ chơi cho hai chú. Hai chú vừa nhìn thấy anh đến, liền tranh nhau đến lục cái túi xách. Sư phụ thường quở hai chú chẳng có lễ phép gì cả, nhưng anh không hề để ý, thường nhìn hai chú cười tươi, còn nói với hai chú đồ ăn để chỗ nào trong túi xách nữa.

Anh Giới Yên thích kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xảy ra trên thành thị, anh nói anh sống ở Thượng Hải, là thành phố rất lớn, lớn hơn Trấn Diểu gấp mười lần, huynh đệ chúng tôi không biết là thật hay giả. Con người thường phản ứng việc mình chưa biết bằng cảm giác mới lạ và nghi ngờ. Lúc đó, các sư đệ đều tập trung lại nghe anh kể, đều cảm thấy rất thích thú.

Tiểu cùng các sư đệ đi qua nơi xa nhất chỉ là vài thị trấn gần bên, nhưng vẫn cảm thấy anh Giới Yên nói hơi quá. Trong các thị trấn gần đây, Trấn Diểu là lớn nhất, ở thị trấn này mà đi hết một vòng, nhanh nhất cũng hết nửa giờ đồng hồ.

Thượng Hải có quá nhiều điều mới lạ, anh nói nếu có dịp sẽ dẫn chúng tôi đi, nhưng rất tiếc sư phụ chưa chắc là đã cho phép.

Anh còn rất thích phong cảnh gần chùa Thiên Minh, nói sơn thủy ở đây đặc biệt khiến người động tâm, không khí trong lành, dù rằng đến mùa hè tháng Sáu, trong núi cũng rất mát mẻ, bầu trời cũng xanh trong.

Lần đó, sư phụ cũng đứng một bên, nói với anh rằng, khi trở lại Thượng Hải nhớ ngẩng đầu lên nhìn, sau đó kể lại xem anh đã nhìn thấy được gì.

Trải qua một thời gian, anh từ Thượng Hải điện thoại kể với chúng tôi, sau khi anh đến Thượng Hai, vâng lời sư phụ dạy, ngẩng đầu lên nhìn, mới phát hiện bầu trời ở đó cũng xanh trong.
Sư phụ bảo: Mỗi người chúng ta thật ra đều đang sống dưới trời xanh, nếu bạn không cảm nhận được, là vì bạn chưa ngẩng đầu lên nhìn, chứ không phải là bầu trời không có màu xanh.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Nhân duyên của sư phụ Trí Duyên

Sư phụ Trí Duyên khi còn trẻ đã trải qua rất nhiều gian nan, thậm chí ngồi tù, khi vào chùa đã hơn 20 tuổi. Giới Sân từng nghe sư phụ kể chuyện hồi xưa, đó là lúc sư phụ chưa xuất gia.

Khi còn trẻ, sư phụ học giỏi, thông minh, 16 tuổi đã đậu vào đại học, là người nhỏ tuổi nhất lớp, lúc thầy vào đại học cách đây đã 40 năm.

Trung Quốc vào thập niên 60, xảy ra cuộc cách mạng văn hóa, yêu cầu mỗi trường học, mỗi đơn vị phải bắt cho ra phần tử phá hoại. Phần tử xấu chiếu vào tỷ lệ phần trăm mà phân phối, khoảng 5%, nghe qua thật buồn cười, thậm chí không thể hiểu đã từng xảy ra những việc như vậy.

Lớp của sư phụ Trí Duyên gồm 30 người, chiếu theo tỷ lệ phải bắt được 2 phần tử xấu, chênh lệch giữa người này với người nọ không rõ ràng, nên không dễ tìm ra phần tử nào xấu. Cán bộ lớp quyết định dùng hình thức rút thăm, sư phụ Trí Duyên bắt thăm đầu tiên, đã rút đúng thăm phần tử phá hoại. Đơn giản vậy mà sư phụ bị bắt đi cải tạo. Thời gian trong ngục, sư phụ do tuổi còn trẻ, thân thể yếu ớt nên khi vừa vào trại, gánh thùng phân đã nghiêng qua nghiêng lại, thời gian dài liền quen dần với sự khổ nhọc.

Có một tai nạn ngoài ý muốn, cánh tay của sư phụ vĩnh viễn bị tàn tật.

Từ trường cải tạo được thả về, sư phụ được 24 tuổi, do được tính là sai án, nên cơ quan hữu trách đặc biệt sắp xếp công việc làm cho sư phụ. Do gia đình có nhiều biến cố, người thân ly tán, sư phụ trở nên khó câu thông với người khác, có lúc không biết mình nên nói gì, có lúc đi làm, có lúc ở nhà liền mấy ngày không ra khỏi cửa, người trong cùng đơn vị đều biết sự tình của sư phụ nên không quản giáo kỷ luật gì nhiều.

Sư phụ tính ngày tháng mà lãnh lương. Ngày nọ, Sư phụ muốn đi đây đi đó. Đó là cuộc lữ trình không có mục tiêu, xuống xe này rồi lên xe khác.

Có nhiều việc, chúng ta không biết điểm cuối ở nơi nào? Vì trong tâm chúng ta không có điểm cuối.

Sư phụ lên xe, đi giữa đường xe bị hư, hành khách người chửi, người lo lắng, chỉ có mình sư phụ là ngồi đó mà chờ đợi. Từ chiếc cửa sổ của chiếc xe, sư phụ nhìn thấy một ngọn núi nhỏ xanh rờn, bất giác xuống xe, từng bước leo lên núi.

Cảnh trên núi rất đẹp, thu hút sư phụ đến gần, cuối cùng hơi mệt bèn ngồi trên hòn đá trước cửa chùa bên sườn núi nghỉ ngơi, mắt nhìn bất động vào cây đại thụ trong chùa, thỉnh thoảng lá từng đợt rơi xuống, sư phụ Trí Duyên mãi ngồi đó, chờ đợi lá khác.

Cửa chùa mở ra, có một tu sĩ hơi tròn trịa đến đi bên cạnh sư phụ, tò mò nhìn. Sư phụ ngồi rất lâu. Tới giờ ăn cơm, vị tu sĩ trẻ lại đem mấy cái bánh bao và chén nước để trước mặt sư phụ, sư phụ lấy lên ăn, vừa tiếp tục chờ lá rụng.

Trời dần dần chuyển tối, sư phụ ngồi trước chùa ngủ quên, khi tỉnh dậy vào sang ngày hôm sau, trên người lại thêm một cái chăn mỏng, chắc là vị tu sĩ trẻ mập đắp dùm.

Cứ vậy qua một ngày, cửa chùa mở ra, một vị Hòa thượng đi tới, ông hỏi sư phụ: “Anh có muốn vào chùa không?”

Sư phụ gật gật đầu. Câu hỏi đó, thành nhân duyên một đời với Phật, do vậy, sư phụ có pháp danh Trí Duyên.

Lão Hòa thượng chính là vị thầy của sư phụ Trí Duyên, vị tu sĩ trẻ mập là sư phụ Trí Hằng.

Sư phụ vừa vào chùa, câu đầu tiên là hỏi về vị tu sĩ trẻ mập đâu rồi. Lão Hoà Thượng đáp, chú ấy đi ngủ rồi, trên núi có thú dữ, khi anh ở trước cửa chùa ngủ, chú ấy phải ẩn trong cửa gỗ canh anh, sợ có thú dữ xuất hiện.

Không ai có thể đột ngột thay đổi. Sư phụ Trí Duyên bước vào cổng chùa vẫn không biết làm sao giao tiếp với người khác, lão Hòa thượng cũng không cưỡng ép. Những năm đó, khách đến chùa ít, lâu lâu mới có Phật tử có chuyện buồn đến giải khuây, lão Hòa thượng lại bảo sư phụ ra tiếp khách.

Sư phụ bảo, con chưa hiểu Phật pháp nhiều, làm sao nói chuyện với khách?

Lão Hoà Thượng bảo: Đừng nói Phật pháp cao siêu quá, chỉ kể chuyện của anh cho họ nghe là được rồi.

Không biết sao, sư phụ từng ngày thay đổi, thay đổi đến nỗi khéo dùng câu chuyện để giáo hóa người, rất nhiều Phật tử được khai ngộ qua những mẩu chuyện của sư phụ.

Sự vật thế gian đều tương hỗ lẫn nhau, đem sự ấm áp của mình truyền cho người khác, lẽ nào lại không nhận được sự ấm áp của người? Người kể chuyện hay người nghe chuyện, đều trong câu chuyện đó mà có sở đắc

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Bà chủ ghét rửa bát



Trấn Diểu có rất nhiều cửa hàng ăn uống, nhưng Giới Sân chỉ quen mỗi tiệm cơm của nhà ông Ích; một là do cách chế biến đồ chay ở đây rất đặc biệt, hai là do chú chó Giới Ngôn của chùa vốn được ông chủ này tặng, nên chú tiểu cảm thấy gần gũi.

Lần nào đi qua tiệm cơm của nhà họ Ích, tiểu cũng thấy bà chủ ngồi ngoài tiệm rửa chén. Bà chủ theo đạo Phật, mỗi lần nhìn thấy các chú tiểu đều mời vào ngồi, và nếu tiểu có dùng cơm thì bà cũng lấy tiền rất rẻ.

Bà chủ tuy mập mạp, nhưng chưa bao giờ cấm kỵ việc ai đó nói bà mập, lâu lâu lại còn đem cái sự mập của mình ra giãi bày, rằng thật ra lúc trước bà rất ốm, nhưng sau khi mở tiệm cơm mới bắt đầu mập lên. Bà vừa than vắn thở dài, vừa nói với khách: Ai bảo nhà tôi là đầu bếp có tài nghệ quá cao, chế đồ ăn quá ngon, nên nuôi tôi quá mập như vầy!

Vậy đó, có một vài khuyết điểm, nếu như chúng ta không chú ý vào nó, tự dưng nó không còn là khuyết điểm, đôi khi chính là ưu điểm nữa.

Trong hẻm này có rất nhiều tiệm cơm, nhưng không vì sự cạnh tranh buôn bán mà làm cho bộ mặt xấu đi, ngược lại còn khiến cho danh tiếng khu phố ẩm thực ngày càng nổi. Mối quan hệ giữa các chủ tiệm cũng rất tốt, họ thường buông chuyện, đồng thời cũng không quên thám thính xem tiệm cơm của người kia có động tịnh gì khác không.

Lần nọ, bà chủ Ích đứng trước mặt khách, dùng tấm thân bồ tượng của mình ra mà quảng cáo, nhằm chứng minh cho tay nghề nấu ăn của tiệm bà. Cô chủ tiệm cơm kế bên thấy vậy liền chen vào: Nếu bà mà qua tiệm cơm của tôi, bà có thể mập hơn nữa, vì tài nghệ nấu ăn của tiệm tôi còn cao hơn nhiều!

Bà chủ Ích cười cười, đập vào vai cô kia. Cô nọ vì quá ốm yếu nên xiểng liểng, trẹo vai, phải ở nhà nghỉ vài bữa mới khỏi.

Bà chủ Ích sống rất nhiệt tình, có lần bà đang rửa chén, nhìn thấy Giới Sân, liền kéo tiểu vào tán gẫu. Tám quanh một hồi, lại lạm bàn đến cái sự ghét thương, bà thật tình bảo rằng thứ mà bà ghét nhất chính là rửa chén.

Người mở tiệm cơm, một năm bốn mùa không biết rửa bao nhiêu cái chén, mỗi ngày khách đến ăn không ít, rửa riết rồi đâm ra chán.

Giới Sân mắc cười, tự nhủ nếu như một ngày nào đó, khách không còn đến ăn nữa, liệu bà chủ có vui không khi bà không còn bị rửa chén. Chắc chắn là không rồi!

Tư tưởng chúng ta cũng giống như con lật đật vậy, không tìm ra điểm tựa, cứ lắc lư bất định, khi ở bên ở phải lại muốn qua bên trái, khi ở bên trái lại muốn qua bên phải.

Giới Sân không dám đem suy nghĩ của mình ra nói, vì tiểu còn ốm hơn cả cô chủ tiệm cơm kế bên nữa, nếu như bị bả phát cho một cái thì có nước… gãy xương chứ chẳng đùa!

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Những câu chuyện thú vị - Page 2 Quanchao Nét vẽ trên đá

Mấy hôm nay, mỗi khi đi ngang qua núi Hiện Sơn, tiểu luôn nhìn thấy một ông lão ngồi trên hòn đá, mặt hướng về ngọn núi, lưng quay về phía tiểu; không rõ ông đang nhìn gì, chỉ thấy ông cứ cúi đầu như chăm chú nhìn một vật gì đó đang cầm trong tay.
Không ngăn được tò mò, Giới Ngạo nói: Mình đi xem ông lão đang làm gì đi huynh.
Giới Sân do dự: Sợ làm như thế thì phiền ổng quá, không tốt đâu.
Giới Ngạo bảo: Vậy tụi mình đi nhẹ một chút, không làm động ổng là được rồi.
Cả hai rón rén đến sau lưng ông lão. Ông lão vẫn chú tâm vào công việc, không biết hai tiểu đang đứng ở phía sau. Một tay cầm cây bút lông, tay kia cầm viên đá, ông đang vẽ cái gì lên đó. Giới Ngạo thò đầu đến gần ông một chút để nhìn rõ xem ông đang vẽ cái gì.
Ông lão cảm giác có ai đó đến gần mình, liền nghiêng người lại, bất chợt nhìn thấy một cái đầu sáng loáng, nhẵn thín. Ông giựt mình buông tay làm rơi viên đá xuống đất!
Đã không muốn làm phiền ông lão, giờ lại khiến cho ông giựt mình, Giới Ngạo cảm thấy có lỗi, bèn khom người xuống nhặt cây bút lông và viên đá lên đưa cho ông; tiểu ta còn kịp nhìn thấy ông lão vẽ rất nhiều thứ lên những viên đá trước mặt.
Tiểu đặt bút và viên đá vào tay ông lão. Ông lão cười, nói: Thì ra là hai chú tiểu, đầu trọc sáng quá!
Giới Sân mắc cỡ rờ đầu, vì sáng sớm nay được sư phụ Trí Hằng cạo cho nên đầu mới sáng bóng như vậy.
Cả hai xin phép ông lão cho xem tác phẩm ông vẽ trên viên đá. Ông lão cười, gật đầu. Giới Sân và Giới Ngạo liền ngồi chồm hổm trên đất, cầm các viên đá lên xem.
Đá núi Hiện Sơn rất đặc biệt, nhiều viên có những tầng đặc thù ở giữa với nhiều lớp màu hoa văn kỳ lạ. Có chuyên viên nghiên cứu địa chất nói, những hòn đá trên các tầng thạch nham, sau khi bị nước đánh vào, đã hình thành nên như vậy.
Nét vẽ của ông lão trên các hòn đá đều không có hình tượng cụ thể, chỉ thuận theo hoa văn mà phác họa thêm vài nét. Tuy không biết ý nghĩa của nó thế nào, tiểu vẫn cảm thấy ông lão khéo điều phối nét bút và màu sắc, khiến cho các viên đá trở nên rất đẹp.
Hai tiểu không ngớt khen ngợi tác phẩm của ông lão. Ông đắc ý cười to, nói: Tôi đang làm việc trên thành thị, gần đây đến trấn Diểu ở chơi vài bữa, nhìn thấy các viên đá ở đây rất đặc biệt, liền mê nên mới vẽ vời. Ngày mai tôi trở lại thành, hai chú nếu thích, tôi xin tặng vài viên làm kỷ niệm.
Giới Sân và Giới Ngạo vui mừng không thể tả, lựa chọn lâu lắm, và cảm thấy viên đá nào cũng đẹp, phải hạ quyết tâm để chọn vài viên, bỏ vào vạt áo túm lại đem về, sợ mồ hôi trong tay làm nhòa đi nét vẽ vẫn còn chưa khô.
Rồi hai tiểu vui vẻ tạm biệt ông lão, về chùa, đem các tác phẩm chưng trong chánh điện.
Sau này, đi qua Hiện Sơn, tiểu luôn nghĩ đến ông lão, nhưng không còn gặp lại ông nữa.
Tác phẩm của ông vẫn còn để trong chánh điện, khách hành hương đến chùa thường bình luận này nọ về các viên đá. Người thích thì nói: Các nét vẽ trên đá thật thần kỳ; người không ưa thì bảo: Mấy cục đá này chẳng biết là cái gì, nhìn không hiểu. Có Phật tử hỏi Giới Sân: Có phải đây là các đồ chơi bôi trét của tiểu hòa thượng hay không?
Giới Sân nghĩ, tại sao viên đá nhỏ như vậy mà lại có nhiều bình luận đến thế?
Cái gì là tốt, cái gì không tốt, có chắc là chúng ta giải thích rõ ràng được hay không?
Việc thiện ác, buồn vui, tốt xấu,… không hề có tiêu chuẩn nào nhất định, kết luận của chúng ta chỉ là sự lý giải không đồng mà thôi.
Chúng ta không nên dành đa phần thời gian để buộc mình bình luận việc tốt xấu - thiện ác, vì lý giải của chính mình cũng chưa chắc đã chính xác.

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Cha không biết tắt đèn điện

Ngày nọ, có một vài vị thí chủ thân thể rất cường tráng đến chùa.

Giới Trần nói: Chắc họ đến chùa không phải vì việc tu hành, bởi xem ra họ không giống người ăn chay chút nào!

Giới Si phản bác: Chưa chắc. Giới Ngôn (con chó ở chùa) rất mập, nó cũng ăn chay; sư phụ Trí Hằng cũng mập, sư phụ cũng ăn chay!

Sau khi mấy vị thí chủ đó đi khỏi rồi, không biết Giới Ngạo lượm ở đâu được một quả tạ, nói là mấy vị thí chủ đó làm rớt lại. Giới Ngạo đem quả tạ vào sân chùa ném chơi; một vài sư huynh đi qua, bị quả tạ làm cho hết hồn.

Giới Si, Giới Trần cũng đến chơi đùa, muốn ném quả tạ, nhưng ném chưa được một mét đã rơi xuống đất, còn có nguy cơ tạ rớt vào chân.

Giới Sân nghe có tiếng cười, quay lại thấy sư phụ Trí Hằng đang đứng ở đằng sau. Sư phụ nói: Để thầy thử xem!

Sư phụ đưa tay lượm quả tạ, dùng hết sức để ném, quả tạ bay rất xa. Mấy tiểu chưa kịp vỗ tay, đã thấy quả tạ đã bay lên nóc tăng phòng, tiếp đó là tiếng ngói vỡ, sau đó là tiếng rớt của quả tạ. Quả tạ đã làm lủng một lỗ trên nóc nhà, rớt vào phòng mấy tiểu.

Giới Sân và Giới Ngạo không nhịn được cười. Thường ngày mấy tiểu phạm lỗi, sư phụ nghiêm nét mặt giáo hóa, bây giờ sư phụ làm lủng nóc phòng, không biết giải thích sao đây!?

Sư phụ Trí Hằng ngại ngùng nói: Thành thật xin lỗi, thầy lỡ làm nóc phòng của mấy con lủng một lỗ rồi!

Giới Sân và Giới Ngạo nhìn nhau. Sư phụ Trí Hằng đi mất dạng.

Vào phòng, hai tiểu nhìn thấy quả tạ đang nằm ở giữa giường, chỉ biết nhăn nhó nhìn lên cái lỗ to tướng trên nóc phòng. Bây giờ đã gần chiều, sáng mai mới có thể xuống trấn nhờ thợ lên sửa chữa.

Giới Ngạo đột nhiên cười lên, nói: Vậy cũng tốt, hôm nay là ngày rằm, ban đêm có thể ngắm trăng xuyên qua lỗ thủng này, chắc là thú vị lắm đây.

Giới Sân vỗ tay hưởng ứng. Trong nghịch cảnh, hắn vẫn giữ được tâm lạc quan, thật hết sức trân quý. Sư phụ Trí Hằng luôn cho rằng Giới Ngạo rất nông nổi, nếu như sư phụ nhìn thấy biểu hiện của hắn hôm nay chắc sẽ rất vui, có thể sẽ khen là hắn tu hành có tiến bộ.

Đêm, mưa rào không mời mà đến.

Giới Sân đem cái thau gỗ to hứng nước, mới chút đã đầy, chỉ còn cách gom đồ lặt vặt bày hết lên giường, ôm chăn màn chiếu gối đến phòng sư phụ Trí Duyên ngủ nhờ.

Giới Sân quay qua quay lại vẫn chưa ngủ được, chợt nhớ lại việc bữa nọ không biết sư phụ đã khuyên một cô Phật tử đang giận mẹ những gì mà sau đó cô không những hết giận mà còn nắm chặt tay mẹ, không chịu bỏ ra. Tiểu bèn quay sang hỏi sư phụ.

Sư phụ Trí Duyên trở mình, quay đầu bảo Giới Sân: Con đi tắt đèn điện đi, từ từ thầy kể con nghe.

Giới Sân tắt đèn xong. Trong bóng tối, tiểu nghe được giọng cười nhẹ nhàng của sư phụ.

Sư phụ nói: Con biết không? Trên đời này vẫn còn có người không biết cách tắt đèn điện.

… Mùa hè năm 16 tuổi, sư phụ nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường đại học. Lúc đó, được vào đại học là điều rất vinh dự, nên việc đó đã làm chấn động cả thôn nhỏ. Phụ thân dẫn sư phụ đi hết nhà này tới nhà khác, gặp ai cũng chìa giấy báo nhập học ra, nói con ông đã lập công danh, sau này có cơ hội làm quan rồi. Sư phụ đi đằng sau, rất nhiều lần muốn nói với cha, rằng cha đã cầm ngược giấy thông báo, nhưng cuối cùng vẫn không nói được. Người cầm giấy và người xem đều không biết chữ, ngược hay xuôi cũng không quan trọng.

Hôm sư phụ lên đường nhập học, bao hành lý nhỏ nhét đầy đồ ăn, đồ dùng và nhiều thứ lặt vặt khác. Sư phụ kể, những đồ vật đó phần nhiều không dùng tới. Đó là lần đầu sư phụ xa nhà lên thành thị. Trên con đường nhỏ trong núi, phụ thân cứ không ngớt dặn dò, đem việc nhỏ việc lớn mà ông đang nghĩ, nói hết một lượt.

Sư phụ giận dỗi nói: Con không phải là con nít, đừng nói tới nói lui hoài!

Có bao nhiêu người lúc 16 tuổi không muốn thừa nhận mình là con nít? Có bao nhiêu người lúc 16 tuổi phát hiện chính mình từng ấu trĩ như vậy?

Trong lớp, sư phụ tuổi nhỏ nhất, vì cách biệt tuổi tác, nên chẳng có bạn bè gì, chớp mắt đã ba năm.

Mùa hè năm đó, sư phụ không về nhà, nhờ người nhắn với gia đình muốn ở lại thư viện xem sách viết luận văn. Qua vài ngày, sư phụ nhìn thấy phụ thân mang hai túi to đứng giữa sân trường, nhìn quanh quất.

Sư phụ chạy xuống lầu đến trước phụ thân. Phụ thân nói: Chưa bao giờ cha lên thành phố nên muốn lên xem sao.

Sư phụ dẫn cha lên lầu, ông dò hỏi tình hình sức khỏe sư phụ.

Thì ra việc sư phụ đột nhiên không về dịp nghỉ hè, khiến phụ thân nghi ngờ sức khỏe của sư phụ, dù chưa bao giờ lên thành phố, ông cũng từ trong núi dò dẫm tìm đường đến nơi này.

Ký túc xá vào dịp hè nên phòng trống rất nhiều, để phụ thân trú lại, sư phụ đem chiếc đèn bàn mới mua đặt trên bàn.

Sáng hôm sau, thấy bóng đèn bể vụn, sư phụ nghĩ có thể là do cha vô ý làm bể. Sư phụ thôi không hỏi, chạy đi mua chiếc mới đem về.

Sáng ngày thứ hai, bóng đèn lại bể tiếp. Sư phụ sợ cha áy náy, không truy hỏi, lại lần nữa mua bóng đèn mới thay vào.

Qua thứ ba, bóng đèn vẫn bể. Sư phụ chịu không nổi bèn hỏi duyên cớ. Phụ thân bảo, ông thổi hoài mà cây đèn không chịu tắt, nên dùng cây gõ bể, không thì đốt đèn cả đêm, hao dầu!

Sư phụ sống thành thị đã ba năm, quên phụ thân sống nơi thôn nhỏ trong núi chỉ dùng đèn dầu, chưa bao giờ dùng đèn điện.

Có thể sinh hoạt phí thiếu hụt khiến sư phụ cảm thấy áp lực, nên nổi giận la to: Sao ba không đến hỏi con?

Tình cha con không giận qua đêm, nhanh chóng, việc này cũng đi vào quên lãng.

Hôm đưa phụ thân về quê, sư phụ cũng không ngớt nhét đồ vào túi xách. Khi đứng trước chuyến xe, sư phụ không dừng vẫy tay. Phụ thân thò đầu qua khung cửa sổ xe, nói to: À, còn việc bóng đèn, mấy ngày đó khuya lắm, con đã ngủ, ba chưa kịp hỏi con, đến sáng thì lại quên mất!

Sư phụ muốn nói một câu xin lỗi cha, nhưng xe đã lăn bánh.

Nhưng cũng không sao, hãy còn một đời cha con, còn nhiều cơ hội để nói.

Sau đó, đất nước loạn lạc, sư phụ bị tạm giam.

Sau khi được thả ra, đã gần sáu năm chưa về thăm quê núi. Thời gian dài đó, đủ để lưu lại quá nhiều nuối tiếc, đủ dài để hủy diệt một niềm tin.

Mộ phần của phụ thân rất dễ nhận ra, vì không được ai tảo mộ, cỏ dại mọc đầy.

Tiếng gió mưa rất lớn, nhưng đâu đó vẫn còn nghe âm thanh tiếng khóc chẳng người lưu tâm. Đêm một màu đen, tối đến nỗi không ai nhìn thấy được có người đang khóc, nước mắt chảy dài.

Sư phụ biết là phụ thân không để bụng, nhưng lời xin lỗi mãi đến giờ không có cách nào chính miệng mình nói với cha !

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú

Mình đọc được câu chuyện này, khuân vác về cho mọi người cùng đọc về một con người ở TP Nam định...
Chuyện về người ăn xin tuyệt vời nhất Việt Nam
21/04/2010 10:28 (GMT +7)
Ở góc nhỏ trên con phố sầm uất bậc nhất TP. Nam Định, ngày ngày vẫn có một bà cụ hơn 70 tuổi ăn xin để nuôi cháu học đại học. Điều đáng nói là đứa cháu đó với bà chẳng có quan hệ máu mủ gì. Biết được tấm lòng của bà, có người đã phải xúc động thốt lên: Đây chính là người ăn xin tuyệt vời nhất Việt Nam.

Bà cụ là Trần Thị Nguyệt, còn cô cháu nuôi là Phạm Thị Thu Thảo năm nay vừa tròn 19 tuổi, sinh viên năm nhất khoa Du lịch, Viện ĐH mở Hà Nội. Câu chuyện về hai bà cháu như cổ tích giữa đời thường.

Đứa cháu tình cờ

Tôi tìm đến con ngõ nhỏ nằm gần Nhà Thờ Lớn (Nam Định), nơi bà cụ đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày ngày vẫn đi xin của người qua đường để nuôi cô cháu gái học đại học trên Hà Nội. Lúc này đã quá trưa, mọi người trong xóm nhỏ đều quây quần bên mâm cơm gia đình. Hỏi thăm một đôi vợ chồng đang bế đứa con nhỏ về cụ Nguyệt, chị vợ nhanh nhảu: “Bây giờ bà Nguyệt chưa về đâu. Anh ở đây chờ hoặc anh ra bến xe buýt trước nhà Thờ Lớn kiểu gì cũng gặp”.

Đúng như chỉ dẫn của người vợ, bà Nguyệt đang đứng lom khom trong nhà chờ xe buýt mưu sinh bằng chiếc nón đã sờn. Khi biết được ý định gặp gỡ cụ Nguyệt của tôi, bà chủ quán nước gần đấy hồ hởi: "Kia kìa anh. Bà Nguyệt đấy. Bà ấy ăn xin để nuôi cô cháu hờ đang học đại học trên Hà Nội đấy”. Như để khẳng định thêm thông tin, bà chủ quán nước tiếp lời: “Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi tôi biết chuyện từ hồi bố nó bỏ nó lại cho bà ấy nuôi cơ. Hai chục năm rồi chứ ít gì đâu. Bà ấy không kể đâu nhưng chúng tôi biết hết cả”.


Căn nhà chỉ rộng chừng 8m2, cũ kĩ leo lét ánh đèn của hai bà cháu

Sau mỗi ngày đi khắp các con phố ở thành Nam, cụ Nguyệt lại trở về ngôi nhà của mình, hay đúng hơn chỉ là một căn phòng, rộng chừng... 8m2, vừa nhỏ bé lại tối tăm như một cái nhà kho thời bao cấp. Mái nhà lợp tạm bợ bằng 1 loại nguyên liệu tổng hợp gồm ngói, tôn, giấy dầu và cả nhựa…. Bà Nguyệt vào nhà bật điện, nhưng ánh đèn leo lét cũng không đủ để xua đi cái lạnh lẽo, ẩm mốc nơi đây. Căn phòng nhỏ hai bà cháu ở chỉ kê vừa một chiếc giường cũ cùng một chiếc tủ đã ọp ẹp. Vừa mời khách vào nhà, bà Nguyệt vừa thanh minh: “Nhà cháu chỉ đơn giản thế thôi. Giờ chỉ còn mỗi bàn học của cái Thảo là sạch sẽ ngăn nắp”.

Bà Trần Thị Nguyệt, quê gốc ở làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Mẹ mất sớm nên bố bà lấy vợ hai. Sau đó ông cùng người vợ mới và hai anh trai của bà Nguyệt vào Nam từ trước cách mạng (1945). Rồi bà bặt tin bố mình từ đó. Mãi về sau bà nghe đâu có người bảo bố bà đã mất trong chiến tranh, một anh trai đã sang Mỹ định cư cùng vợ con. Người anh còn lại ở đâu bà cũng không được rõ. Bà Nguyệt bắt đầu bỏ quê lên Nam Định kiếm sống bằng những thúng xôi mỗi sáng.

Năm ấy, dù đã hơn 50 tuổi nhưng bà vẫn bán xôi trên tuyến phố Nguyễn Du quen thuộc gần khu vực nhà trẻ. Bà bảo chỗ đó đông người và quan trọng nhất là bà thích được nhìn lũ trẻ vui chơi, đùa nghịch.

Trong đám trẻ, bà thường chú ý tới một cô bé gái chừng hơn 1 tuổi ngày ngày bám tay vào những song cửa khóc khi người bố thường gửi vội con ở đấy rồi đi chạy xích lô. Những hôm nhà trẻ nghỉ, cô bé lại rong ruổi theo xe xích lô của bố đón khách. Những lúc bắt được khách, người bố phải bỏ con lại bên vỉa hè nhờ mọi người trông giúp.


Bà Nguyệt lật tìm lại những tờ giấy khen cô cháu Thảo đã từng đạt được

Thương ông bố vất vả lại sẵn tình yêu trẻ, bà Nguyệt đã nhận đứa bé về chăm sóc. Ông bố vui mừng gửi được con ở một nơi tin cậy. Mỗi ngày khi gửi con ông đưa cho bà Nguyệt 3 nghìn đồng để cho cô bé ăn. Cứ thế được khoảng 1 tuần. Một hôm, như thường lệ người đàn ông vẫn mang cô bé đến gửi. Song lần này, lúc chia tay người bố có vẻ bịn rịn, ông ôm đứa bé vào lòng, thơm lên má, lên trán cô bé rồi dặn thêm bà Nguyệt: “Cháu tên là Phạm Thị Thu Thảo, cháu vừa tròn 15 tháng tuổi bà ạ”.

Chẳng ai ngờ, sau hôm đó, người bố ấy không bao giờ quay trở lại. Bà nghe người ta kể lại hai vợ chồng nhà đó nợ nần chồng chất phải vào tận trong Nam trốn nợ. Từ đó cuộc đời bà Nguyệt cùng cháu Thảo cứ gắn chặt lấy nhau như duyên trời định.

Dù khổ tôi vẫn nuôi cháu

Bà Nguyệt tâm sự: “Từ ngày về ở với bà, cháu không hề đòi bố mẹ, không khóc, suốt ngày quấn lấy tôi”. Có tiếng trẻ bi bô trong nhà, cuộc sống của bà sôi động và hạnh phúc hơn.

Năm tháng trôi đi, Thảo cũng đến tuổi đi học, bà Nguyệt lại tất bật lo sắm sửa quần áo cặp sách mới, đưa cháu tới trường. Ngày đó cuộc sống khó khăn, nhiều người hàng xóm đã rỉ tai bà khuyên nhủ: “Bà đem bỏ nó đi, ai không có con thì người ta đem về nuôi. Hoặc bà gửi nó vào trại trẻ mồ côi cho nhẹ nợ”. Ngay lập tức bà gạt phắt: “Nó là cháu tôi. Tôi không nuôi nó thì ai nuôi. Dù khổ mấy thì nó vẫn ở với tôi chứ”.


Anh trai và chị dâu của bà Nguyệt đang định cư bên Mỹ trước đây cũng từng nhiều lần phản đối việc bà Nguyệt nhận nuôi Thảo

Thời gian này biết tin bà đang nuôi con cho “thiên hạ”, người anh trai của bà định cư bên Mỹ rất tức giận, nhiều lần gửi thư về bắt bà phải bỏ Thảo hoặc sẽ cắt những khoản trợ cấp nhỏ cho bà. Song cho dù anh trai có nói thế nào, bà vẫn quyết tâm giữ Thảo. Anh trai giận bà nên từ đó cắt mọi khoản viện trợ hàng tháng.

Ngày anh trai mất, bà Nguyệt cũng không có dịp đưa tiễn. Mùa hè năm 2009, ngày Thảo lên đường ra Hà Nội học đại học, người chị dâu bên Mỹ về Sài Gòn chơi có gửi ra Nam Định 4 triệu đồng mừng cho cô cháu gái đỗ đại học.

Bà Nguyệt tự tay chăm chút cho Thảo từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Bà Nguyệt vẫn còn nhớ như in ngày Thảo 7 tuổi, bị một trận ốm thập tử nhất sinh khiến bà phải một phen hoảng hốt. “Từ nhỏ con bé trộm vía nên không ốm quay quắt như nhiều đứa trẻ khác nhưng có một chiều nó đi học về mà mặt cứ nặng trĩu, tôi sờ đầu mới biết háu sốt cao”. Bà Nguyệt lo lắng nấu cháo, lấy khăn ướt đắp để giải nhiệt cho Thảo.


Kí ức về người anh bên Mỹ cứ đan xen trong câu chuyện về hai bà cháu

Nhưng đến nửa đêm bệnh tình cô bé chuyển biến nghiêm trọng hơn. Hoảng hốt, bà Nguyệt gõ cửa từng nhà hàng xóm nhờ giúp đỡ nhưng họ cũng như bà, nào có ai biết chữa bệnh ra sao. Có người mách bà xuống phố Năng Tĩnh nhờ thầy thuốc về khám cho cháu. Giữa đêm khuya mùa đông, giữa cái rét như cắt da cắt thịt bà Nguyệt lặn lội hơn 2 cây số đi tìm bác sĩ. “Ngày đó còn có chưa nhiều bác sĩ, tôi đi bộ đến nơi cũng mất gần tiếng đồng hồ. Gọi cửa mãi rồi cũng có người ra mở cửa. Thấy có bóng người là tôi quỳ xuống van xin ông bác sĩ đến giúp cháu Thảo. Ông bác sĩ động lòng liền đồng ý theo tôi về nhà. Hôm đó khám xong ông bác sĩ còn không lấy tiền công, lại cho thêm thuốc để cho cháu Thảo uống”, bà Nguyệt nghẹn ngào kể.

Ngày Thảo nhận được giấy báo nhập học của Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội, bà Nguyệt không cầm được nước mắt, mừng cho cháu đạt được ước mơ nhưng lại lo xoay đâu ra tiền cho cháu nhập học. Được sự giúp đỡ của bà con hàng xóm cùng chính quyền địa phương, bà Thảo thêm vững tâm cùng cháu lên Hà Nội.

Gặp Thảo trên Hà Nội, trước mặt chúng tôi là một cô gái xinh xắn và chững chạc hơn cái tuổi 19 của mình. Khi nhắc về bà,Thảo say sưa kể về những kỷ niệm về thời thơ ấu. Gần 20 năm sống cùng bà, có quá nhiều kỉ niệm Thảo nhớ về bà. Chính vì thế những vui, buồn của đời sinh viên đều được Thảo điện thoại kể tường tận với bà mỗi khi có dịp. Với Thảo, tình thương và những tháng ngày mưu sinh không mệt mỏi của bà là động lực rất lớn giúp em đứng vững trong cuộc sống của một cô sinh viên nghèo giữa phố phường Hà Nội.



Theo Phạm Thịnh (tintuc online)

dangtuandkt

dangtuandkt
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú


Truyện kể trong nước mắt
Cập nhật lúc 15:41, Thứ Sáu, 03/09/2010 (GMT+7)
,

- Chồng tôi khó nhọc mở mắt ra, khẽ mỉm cười. Thằng bé rúc vào lòng bố, ngọ ngoạy nắm tay nhỏ xíu hồng hồng. Tôi ấn nút máy ảnh, nước mắt chảy ràn rụa trên mặt...

Chương trình "Thứ 6 không vội vã" được phát sóng thứ 6 hàng tuần tại địa chỉ www.vietnamnet.vn/radiovnn.

Tuần trước, câu chuyện Đầu gối tay ấp của tác giả Đài Loan Trịnh Tiến Nhất và được Trang Hạ dịch sang tiếng Việt đã nhận được nhiều sự quan tâm và phản hồi của quý thính giả.

Bạn Thu Thương, địa chỉ mail thuong@yahoo.com.vn đã chia sẻ rằng:

Tôi đã nhìn thấy ẩn hiện đâu đây hính ảnh gia đình mình trong câu chuyện trên. Tuy không hoàn toàn giống ,nhưng mở đầu và kết thúc thì như nhau. Cũng là những giọt nước mắt buồn tủi của ngày đầu bước chân về nhà chồng. Cũng chỉ vì nghèo khó , vì áp lực của cuộc sống, ông bà ngoại tôi đành gạt nước mắt gả con về nơi mà ông bà biết là sẽ khổ nhiều hơn sướng, buồn nhiều hơn vui. Mẹ tôi hơn bố nhiều tuổi. Lấy bố tôi, mẹ phải vất vả bao nhiêu, từ chăm cho chồng, đến chăm sóc cho bố mẹ chồng. Ông bà nội tôi đau yếu, nằm liệt nhiều năm. Còn bố là người ham vui, thích bay nhảy, nhưng thật may ông cũng kịp nhìn thấy sự nhẫn nại ,chịu đựng trong đôi mắt u buồn của mẹ mà dừng lại ! Bây giờ mẹ đang nhận lại tất cả nhưng gì đã cho đi dẫu rằng hơi muộn một chút, nhưng cũng đủ để sưởi ấm cõi lòng. Mẹ như được tiếp sức bởi lòng yêu thương chân thành của bố, bố là chỗ dựa để mẹ bước đi từng bước mỗi ngày, là đôi tay xoa bóp những lúc mẹ đau...Và hôm nay ,sau khi tình cờ được nghe câu chuyện này, bố tôi đã nói : Đúng đấy các con ạ ! như bố đây, cả một đòi với bao thăng trầm ,bao buồn vui của cuộc sống , bố mới nghiệm ra rằng bây giờ mới là lúc bố thực sự hạnh phúc ,thực sự thoải mái, vì bố đang được" cho lại "mẹ tất cả những yêu thương chân tình nhất trong bố .Và tôi cũng kịp nhìn thấy nụ cười mãn nguyện trên gương mặt mẹ .Một nụ cười hạnh phúc!...Đúng là cuộc sống sẽ thật ý nghĩa biết bao nếu như chúng ta biết biến nó thành chuyện CỔ TÍCH TROMG MƠ...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn Thương thân mến, "Thứ 6 không vội vã" xin cảm ơn bạn đã dành thời gian quan tâm và theo dõi chương trình. Chúc cho gia đình nhỏ của bạn luôn hạnh phúc.

Quý thính giả yêu quý, trông số thứ 5 của chương trình. Thứ 6 không vội vã xin mời các bạn lắng nghe câu chuyện "Truyện kể trong nước mắt" của tác giả nghị Minh (Trung Quốc) được dịch bởi dịch giả Nguyễn Hải Hoành.

Câu chuyện này được bạn Ưng Nguyễn, sinh viên Đại học Ngoại Thương Hà Nội, địa chỉ mail: discover31@gmail.com gửi đến chương trình với lời nhắn: tôi đã không kìm được nước mắt mỗi lần đọc câu chuyện này. Rất mong được chia sẻ cùng các thính giả của chương trình.

Truyện Kể Trong Nước Mắt

Tác giả: Nghị Minh (TQ)

Dịch giả: Nguyễn Hải Hoành

Cưới nhau được hai năm, chồng tôi bàn với tôi về quê đón mẹ anh lên ở với chúng tôi để bà được sống an nhàn những ngày cuối đời. Bố anh ấy mất sớm từ khi anh còn nhỏ, nên bà mẹ gửi gắm tất cả mọi hy vọng vào anh, một mình bà chắt chiu thắt lưng buộc bụng nuôi anh khôn lớn cho tới ngày học xong đại học.

Tôi đồng ý ngay và lập tức dọn dẹp dành riêng cho bà căn phòng có ban công hướng Nam, vừa có thể sưởi nắng vừa có thể bày vài chậu cây cảnh.

Bước vào căn phòng chan hòa ánh sáng vừa dọn xong, anh ấy chẳng nói chẳng rằng bất chợt bế xốc lấy tôi và quay một vòng quanh phòng. Khi tôi sợ quá cào cấu anh xin anh bỏ xuống thì anh bảo: “ Nào, chúng mình về quê đón mẹ nhé!”.

Chồng tôi cao lớn, còn tôi thì bé nhỏ và thích được nép đầu vào ngực anh. Những lúc ấy, tôi có cảm giác như anh có thể nhét gọn tôi vào túi áo. Những bận hai người tranh cãi nhau mà tôi không chịu thua, anh bèn nhấc bổng tôi lên ngang đầu và quay tít cho đến khi tôi sợ hết hồn xin anh buông tha mới thôi. Tôi thích cái cảm giác vừa sợ vừa sung sướng ấy.

Mẹ anh sống ở thôn quê lâu năm nên rất khó có thể sửa ngay được những tập quán của người nhà quê. Chẳng hạn, thấy tôi hay mua hoa tươi bày ở phòng khách, bà có vẻ khó chịu. Cực chẳng đã, một hôm bà bảo: “Các con thật chẳng biết chi tiêu gì cả. Hoa có ăn được đâu mà mua làm gì kia chứ? ”. Tôi cười: “Mẹ ơi, trong nhà có hoa tươi nở rộ thì ai nấy đều vui vẻ cả”. Bà cúi đầu lầu bầu gì gì đấy. Chồng tôi bảo: “Đây là tập quán của người thành phố, mẹ ạ. Lâu ngày mẹ sẽ quen thôi.”

Bà không nói gì nữa, nhưng sau đấy mỗi bận thấy tôi mua hoa về, bao giờ bà cũng không thể im lặng mà cứ hỏi mua hết bao nhiêu tiền. Khi tôi nói giá cả thì bà chép miệng tiếc rẻ. Có lần thấy tôi xách về túi to túi nhỏ các thứ mua sắm được, bà gặng hỏi giá tiền từng thứ một. Tôi kể lại giá mỗi thứ. Nghe xong bà chép miệng thở dài thườn thượt. Chồng tôi véo mũi tôi và thì thầm: “Ngốc ơi, nếu em đừng nói giá thật với mẹ thì sẽ chẳng sao cả, phải không nào?”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Cuộc sống đang vui tươi thế là dần dần có những hòa âm trái tai.

Điều làm bà khó chịu nhất là thấy con trai mình ngày ngày dậy sớm chuẩn bị bữa sáng. Đàn ông mà chui vào bếp nấu ăn cho vợ thì coi sao được, bà nghĩ vậy. Vì thế mà bữa sáng nào bà cũng nặng mặt không vui. Tôi giả tảng không thấy gì thì bà khua đũa đụng bát tỏ ý không bằng lòng. Làm giáo viên dạy múa ở Cung Thiếu niên, ngày nào tôi cũng phải nhảy nhót mệt bã người nên khi ngủ dậy thường nằm rốn tận hưởng chăn đệm ấm áp, coi đó là một thú hưởng thụ. Vì thế tôi đành giả câm giả điếc trước sự chống đối của bà mẹ chồng.

Đôi khi bà cũng làm giúp tôi một ít việc nhà, nhưng thật ra chỉ làm tôi thêm bận bịu mà thôi. Chẳng hạn, những túi ni lông đựng đồ, mọi khi tôi đều quẳng vào thùng rác thì bà tích cóp lại, bảo là để hôm nào bán cho đồng nát. Thế là khắp nhà đầy những túi ni lông. Mỗi lần rửa bát hộ tôi, bà đều hà tiện không dùng nước rửa chén thế là tôi phải rửa lại, dĩ nhiên phải kín đáo để bà khỏi tự ái.

Một tối nọ, khi tôi đang rửa chén trộm như thế thì bà nhìn thấy. Thế là bà sập cửa đánh sầm một cái, nằm lì trong buồng khóc gào lên. Chồng tôi cuống quýt chẳng biết làm gì. Cả tối hôm ấy anh không nói với tôi câu nào. Tôi làm nũng với anh, anh cũng chẳng thèm để ý. Tôi điên tiết lên vặn lại: “Thế thì rốt cuộc em sai chỗ nào ạ?”. Anh trợn mắt: “Tại sao em không thể phiên phiến một chút nhỉ, bát không sạch thì ăn cũng có chết đâu, hả?”.

Một thời gian dài sau đấy, bà chẳng nói chuyện với tôi. Không khí trong nhà bắt đầu dần dần căng thẳng. Chồng tôi rất mệt mỏi, chẳng biết nên làm ai vui lòng trước.

Không muốn để con trai làm bữa sáng, bà cả quyết nhận lấy “nhiệm vụ nặng nề” này. Rồi khi thấy anh ăn uống ngon lành, bà lại nhìn ngó tôi với ý trách móc tôi không làm tròn bổn phận người vợ, khiến tôi rất khó xử. Để thoát khỏi cảnh ấy, tôi đành không ăn bữa sáng ở nhà mà mua túi sữa trên đường đi làm, mang đến cơ quan ăn.

Tối hôm ấy lúc đi ngủ, anh bực bội bảo: “Có phải là em chê mẹ anh nấu ăn bẩn nên mới không ăn sáng ở nhà, đúng không?” rồi anh lạnh nhạt nằm quay lưng lại, mặc cho tôi nước mắt đầm đìa vì ấm ức. Sau cùng anh thở dài: “Cứ coi như là em vì anh mà ăn sáng ở nhà, được không nào?”.

Thế là sáng sáng tôi đành ngồi vào bàn ăn với tâm trạng ê chề.

Một hôm, khi đang ăn món cháo bà nấu, tôi chợt thấy buồn nôn, mọi thứ trong bụng muốn oẹ ra, gắng kìm lại mà không tài nào kìm được, tôi đành quăng bát đũa chạy ù vào phòng vệ sinh, nôn thốc nôn tháo. Sau một hồi hổn ha hổn hển thở, khi tôi bình tâm lại thì nghe thấy bà bù lu bù loa vừa khóc vừa đay nghiến oán trách tôi bằng những từ ngữ nhà quê, còn anh thì đứng ngay trước cửa phòng vệ sinh căm tức nhìn tôi. Tôi há hốc miệng chẳng nói được gì, thật ra nào mình có cố ý nôn đâu.
Lần đầu tiên chúng tôi cãi nhau to. Mới đầu mẹ anh còn giương mắt đứng nhìn, sau đấy bà thất thểu bỏ ra ngoài. Anh tức tối nhìn tôi rồi đi ra theo bà.

Ba ngày liền không thấy bà và anh về nhà, cả đến điện thoại cũng không thấy gọi. Tôi tức điên người mỗi khi nghĩ lại từ hôm bà lên đây ở mình đã phải chịu bao nhiêu nỗi oan ức, thế mà anh ấy còn muốn tôi thế nào nữa đây?

Không hiểu sao dạo này tôi hay buồn nôn thế, ăn gì cũng không thấy ngon, lại thêm trong nhà bao nhiêu chuyện rắc rối, tâm trạng vô cùng tồi tệ. Cuối cùng, vẫn là các bạn ở cơ quan bảo: “Sắc mặt cậu xấu lắm, nên đi khám bệnh thôi!”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kết quả kiểm tra ở bệnh viện cho thấy tôi đã có bầu. Bây giờ mới rõ tại sao sáng hôm ấy tôi bỗng dưng buồn nôn. Niềm hạnh phúc sắp có con pha trộn với một chút buồn giận oán trách: Tại sao chồng mình và cả bà mẹ chồng nữa lại không nghĩ tới chuyện ấy nhỉ?

Tôi gặp anh tại cổng bệnh viện. Xa nhau mới có ba ngày mà trông anh tiều tụy quá chừng. Tôi định quay đi, nhưng bộ dạng ấy khiến lòng tôi xót xa, không nén được, tôi gọi anh. Anh nhìn tôi như người xa lạ, ánh mắt không giấu nổi nỗi chán ghét như một mũi kim lạnh buốt đâm vào lòng tôi.

Tôi tự nhủ “đừng nhìn anh ấy, đừng nhìn anh ấy”, và chặn một chiếc taxi lại. Thật ra lúc ấy tôi chỉ muốn hét to: “Anh yêu của em, em sắp sinh cho anh một cục cưng đây!” rồi được anh bế xốc lên sung sướng quay một vòng.

Ước muốn ấy đã không xảy ra. Khi ngồi trên taxi, nước mắt tôi ứa ra lã chã.

Vì sao chỉ một lần cãi nhau đã làm cho tình yêu của chúng tôi trở nên tồi tệ tới mức này cơ chứ? Về nhà, tôi nằm trên giường nghĩ tới chồng, tới nỗi chán ghét đầy trong mắt anh. Tôi nắm lấy góc chăn khóc nấc lên.

Nửa đêm, có tiếng lạch cạch mở ngăn kéo. Khi bật đèn lên tôi trông thấy khuôn mặt đầy nước mắt của anh. Thì ra anh về nhà lấy tiền. Tôi lạnh nhạt nhìn anh không nói gì. Anh cũng làm như không thấy tôi, lấy xong các thứ liền vội vã bỏ đi.

Có lẽ anh định thật sự chia tay với tôi đây. Thật là một người đàn ông có lý trí, biết tách bạch tình và tiền rạch ròi như thế đấy. Tôi cười nhạt, nước mắt lã chã tuôn rơi.

Hôm sau tôi không đi làm mà ở nhà, muốn xem xét lại mọi ý định của mình rồi tìm anh trao đổi cho xong mọi chuyện.

Khi đến công ty của anh, cậu thư ký ngạc nhiên nhìn tôi: “Ơ kìa, mẹ tổng giám đốc bị tai nạn, hiện đang nằm bệnh viện kia mà”. Tôi trố mắt cứng họng, lập tức đến ngay bệnh viện. Nhưng khi tìm được anh thì bà đã tắt thở rồi.

Anh không hề nhìn tôi, mặt cứ lầm lầm. Tôi nhìn khuôn mặt vàng vọt không hồn của bà, nước mắt ứa ra: Trời ơi! Tại sao lại đến nông nỗi này cơ chứ?

Cho tới hôm an táng mẹ, anh vẫn không thèm nói với tôi một câu nào, thậm chí mỗi khi nhìn tôi, ánh mắt anh đều hiện lên nỗi chán ghét tột độ.

Nghe người khác kể lại, tôi mới biết sơ qua về vụ tai nạn. Hôm ấy bà bỏ nhà rồi thẫn thờ đi về phía ga xe lửa, bà muốn về quê mà. Chồng tôi đuổi theo, thấy thế bà rảo bước đi nhanh hơn. Khi qua đường, một chiếc xe buýt đâm vào bà...

Cuối cùng thì tôi đã hiểu tại sao anh ấy chán ghét mình. Nếu hôm ấy mình không nôn oẹ, nếu hôm ấy mình không to tiếng cãi nhau với anh ấy, nếu... Trong lòng anh, tôi là kẻ tội phạm gián tiếp giết chết bà.

Anh lẳng lặng dọn vào ở phòng mẹ, tối tối khi về nhà, người sặc mùi rượu. Lòng tự trọng bị tổn thương bởi nỗi xấu hổ và tự thương hại đè nặng khiến tôi thở không ra hơi nữa. Muốn giải thích mọi chuyện, muốn báo anh biết chúng tôi sắp có con rồi, nhưng cứ thấy ánh mắt ghẻ lạnh của anh là tôi lại thôi không nói gì. Thà anh đánh tôi mắng tôi một trận còn hơn. Tôi có cố ý để xảy ra mọi tai họa ấy đâu!

Ngày tháng cứ ngột ngạt lặp đi lặp lại. Càng ngày anh ấy càng về nhà muộn hơn. Chúng tôi cứ thế căng với nhau, xa lạ hơn cả người qua đường. Tôi như cái thòng lọng thắt vào tim anh.

Một hôm, khi đi qua một hiệu ăn Âu, tôi nhìn qua cửa kính thấy chồng mình đang ngồi đối diện với một cô gái trẻ và nhè nhẹ vuốt tóc cô. Thế là tôi đã hiểu rõ tất cả. Sau giây lát ngớ người ra, tôi vào hiệu ăn, đến đứng trước mặt chồng mình, trân trân nhìn anh, mắt ráo hoảnh. Tôi không muốn nói gì hết, và cũng chẳng biết nói gì.

Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi rồi đứng lên định bỏ đi. Anh ấn cô ngồi xuống rồi cũng trân trân nhìn lại tôi, không chịu thua. Tôi chỉ còn nghe thấy tim mình đập chầm chậm từng nhịp như đang sắp kề cái chết.

Kẻ thua cuộc là tôi, nếu cứ đứng nữa thì tôi và đứa bé trong bụng sẽ ngã xuống.

Đêm ấy anh không về nhà. Bằng cách đó anh báo cho tôi biết: Cùng với sự qua đời của mẹ anh, tình yêu giữa hai chúng tôi cũng đã chết.

Những ngày sau, anh vẫn không về nhà. Có hôm đi làm về, tôi thấy tủ áo như bị sắp xếp lại, chắc anh ấy về lấy các thứ của anh.

Tôi chẳng muốn gọi điện thoại cho anh, ý định giải thích mọi chuyện cho anh cũng biến mất hẳn.

Tôi sống một mình. Đi bệnh viện khám thai một mình. Trái tim tôi như vỡ vụn mỗi khi trông thấy cảnh các bà vợ được chồng dìu đến bệnh viện. Các bạn ở cơ quan bóng gió khuyên tôi bỏ cái thai đi cho yên chuyện nhưng tôi kiên quyết không chịu. Tôi như điên lên muốn được sinh đứa bé này, coi đó như sự bù đắp việc bà mẹ chồng qua đời.

Một hôm đi làm về nhà, tôi thấy anh ngồi trong phòng khách mù mịt khói thuốc lá, trên bàn đặt một tờ giấy. Không cần xem, tôi đã biết tờ giấy đó viết gì rồi. Trong hơn hai tháng chồng vắng nhà, tôi đã dần dà học được cách giữ bình tĩnh. Tôi nhìn anh, cất mũ rồi bảo: “Đợi một tí, tôi sẽ ký ngay đây”. Anh nhìn tôi, ánh mắt lộ vẻ bối rối chẳng khác gì tôi. Vừa cởi cúc áo khoác, tôi vừa tự nhủ: “Chớ có khóc đấy, chớ có khóc đấy... ”. Hai mắt nhức lắm rồi, nhưng tôi quyết không cho chúng nhỏ lệ nữa.

Mắc xong áo lên móc, thấy anh cứ chằm chằm nhìn cái bụng to của tôi, tôi mỉm cười đi đến bàn, cầm lấy tờ giấy, rồi chẳng xem gì hết, liền ký tên mình và đẩy tờ giấy cho anh.

“Em có bầu rồi đấy à?”.

Đây là lần đầu tiên anh ấy nói chuyện với tôi kể từ hôm bà bị nạn. Nước mắt tôi trào ra không thể nào ngăn nổi. “Vâng, nhưng không sao cả, anh có thể đi được rồi”.

Anh không đi mà ngồi lại, hai chúng tôi nhìn nhau trong bóng tối. Anh từ từ ôm lấy tôi, nước mắt nhỏ ướt đầm vai áo tôi. Thế nhưng lòng tôi đã không còn gì nữa, rất nhiều thứ đã biến đi xa lắm rồi, xa tới mức có đuổi theo cũng chẳng lấy lại được nữa.

Không nhớ là anh ấy đã nói với tôi bao nhiêu lần câu “xin lỗi” nữa. Trước đây tôi cứ tưởng mình sẽ tha thứ cho anh, nhưng bây giờ thì không. Suốt đời tôi sao quên được ánh mắt băng giá anh nhìn tôi khi đứng trước cô gái nọ ở hiệu ăn Âu hôm ấy.

Chúng tôi đã rạch vào tim nhau một vết thương sâu hoắm. Tôi không cố tình, còn anh thì cố tình. Quá khứ không thể nào trở lại được nữa.

Trái tim tôi chỉ ấm lên mỗi khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với anh thì tim tôi đã lạnh như băng. Tôi không đụng đến tất cả những thức ăn anh mua về, không nhận bất cứ món quà nào anh tặng, không nói với anh nửa lời. Kể từ hôm ký vào tờ giấy kia, hôn nhân và tình yêu, tất cả đều đã biến mất khỏi trái tim tôi.

Có hôm anh định trở lại phòng ngủ của chúng tôi. Anh vào thì tôi ra phòng khách nằm. Thế là anh đành phải về ngủ ở phòng của bà.

Đêm đêm, đôi lúc từ phòng anh vẳng ra tiếng rên rỉ khe khẽ. Tôi nghe thấy nhưng lặng thinh. Lại dở trò cũ chứ gì. Ngày trước, mỗi bận bị tôi làm mặt giận phớt lờ, anh ấy đều giả vờ ốm như vậy, khiến tôi ngoan ngoãn đầu hàng và chạy đến hỏi xem anh có sao không. Thế là anh ôm lấy tôi cười ha hả. Anh quên rồi, ngày ấy tôi thương anh vì hai người yêu nhau. Bây giờ thì chúng tôi còn có gì nữa đâu?

Tiếng rên rỉ ấy kéo dài đứt quãng cho tới ngày đứa bé ra đời. Suốt thời gian chờ đợi ấy, hầu như ngày nào anh cũng mua sắm thứ gì cho con, nào là đồ dùng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nào là sách nhi đồng v.v... Những thứ ấy chất gần đầy căn phòng của anh. Tôi biết anh làm thế là để tôi cảm động, nhưng tôi giờ đã trơ như đá. Anh đành giam mình trong phòng, ngồi gõ phím máy tính lạch cạch. Chắc là tìm vợ trên mạng. Nhưng chuyện ấy đâu còn có ý nghĩa gì với tôi nữa.

Năm sau, vào một đêm khuya cuối xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi thét lên. Anh nhảy xổ vào buồng, hình như khi đi nằm anh vẫn không thay quần áo chỉ là để chờ giây phút này. Anh cõng tôi chạy xuống cầu thang, chặn taxi lại. Dọc đường, anh cứ nắm chặt tay tôi, luôn lau mồ hôi trên trán tôi. Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy đến khoa sản. Khi nằm trên đôi vai gầy guộc mà ấm áp của anh, một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc tôi: Trên đời này, liệu có ai yêu thương mình như anh ấy không nhỉ?

Rồi anh vịn cánh cửa khoa sản, đưa ánh mắt ấm áp dõi theo tôi đi vào trong. Tôi cố nhịn đau mỉm cười với anh.

Khi tôi ra khỏi phòng đẻ, anh nhìn tôi và thằng bé, rưng rưng nước mắt mỉm cười. Tôi chạm vào tay anh, chợt thấy anh mềm nhũn người, mệt mỏi từ từ ngã xuống. Tôi gào tên chồng mình..., anh chỉ mỉm cười, nhắm nghiền mắt lại...

Tôi cứ tưởng mình sẽ không bao giờ còn nhỏ nước mắt vì anh, thế mà lúc ấy một nỗi đau xé ruột xé gan bỗng dội lên trong lòng.

Bác sĩ cho biết chồng tôi bị ung thư gan, cách đây 5 tháng mới phát hiện, khi đó bệnh đã ở thời kỳ cuối, anh chịu đựng được lâu thế quả là một chuyện lạ hiếm có. Ông bảo: “Chị nên chuẩn bị hậu sự đi thì vừa”. Mặc y tá ngăn cấm, tôi trốn ngay về nhà, xộc vào phòng anh, mở máy tính ra xem. Một nỗi đau nhói lên làm trái tim tôi nghẹn lại. Thế đấy, 5 tháng trước đây anh đã phát hiện mình bị ung thư gan, những tiếng rên rỉ của anh là thật cả, nhưng tôi lại cứ cho là...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những điều ghi trong máy tính rất dài, đó là lời trăn trối anh để lại cho con mình: Con của bố. Vì con mà bố ráng chịu đựng cho tới nay, chờ bao giờ trông thấy con thì bố mới chịu ngã xuống. Đấy là nguyện vọng lớn nhất của bố hiện giờ... Bố biết rằng, đời con sẽ có nhiều niềm vui hoặc có thể gặp trắc trở. Nếu bố có thể cùng con đi suốt quãng đời con lớn lên thì vui biết bao. Nhưng bố không có dịp may ấy nữa rồi. Bây giờ bố ghi lại vào máy tính từng vấn đề con sẽ có thể gặp phải trên đường đời, khi nào gặp những vấn đề ấy thì con có thể tham khảo ý kiến của bố, con nhé.

Con ơi, viết xong mấy chục trang này, bố cảm thấy như mình đã cùng đi với con suốt chặng đường trưởng thành của con. Bây giờ bố thật sự vô cùng sung sướng. Hãy yêu mẹ con nhé! Mẹ rất vất vả vì con đấy. Mẹ con là người yêu con nhất và cũng là người bố yêu quý nhất...

Chồng tôi viết về tất cả mọi chuyện, kể từ khi đứa bé còn ở vườn trẻ cho tới lúc nó học tiểu học, trung học, đại học, rồi ra công tác, cả đến chuyện yêu đương của con nữa. Chồng tôi cũng để lại một bức cho tôi:

"Em yêu quý. Được lấy em làm vợ là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời anh. Em hãy tha thứ việc anh đã làm tổn thương em. Hãy tha lỗi việc anh giấu tình hình bệnh tật của mình, chẳng qua chỉ vì anh không muốn để em phải lo nghĩ trong thời gian chờ bé chào đời... Em yêu quý. Nếu khi đọc những dòng này mà em khóc thì nghĩa là em đã tha thứ cho anh rồi. Như thế anh sẽ có thể mỉm cười cảm ơn em luôn luôn yêu anh... Anh sợ rằng mình sẽ không có dịp tự tay tặng cho con những món quà anh đã mua sắm. Phiền em hằng năm thay anh tặng quà cho con, trên bao gói nhớ đề rõ ngày tặng, em nhé..."

Khi tôi trở lại bệnh viện thì anh vẫn đang hôn mê. Tôi bế con đến, đặt nó nằm bên cạnh anh và nói: “Anh ơi, anh hãy mở mắt ra cười lên nào. Em muốn để con mãi mãi ghi nhớ hơi ấm của bố nó khi nó nằm trong lòng anh đấy, anh ạ... ”.

Chồng tôi khó nhọc mở mắt ra, khẽ mỉm cười. Thằng bé rúc vào lòng bố, ngọ ngoạy nắm tay nhỏ xíu hồng hồng. Tôi ấn nút máy ảnh, nước mắt chảy ràn rụa trên mặt...

Bạn thân mến, khi yêu thương một ai đó, hãy trân trọng khi bạn còn có thể. Xin đừng trao yêu thương khi quá muộn. Hãy để trái tim biết yêu người khác. Bởi chẳng ai có thể nói trước được tương lai, thế nên, đừng bao giờ để mình phải hối hận vì mình đã không đủ quan tâm, không đủ yêu thương hoặc chẳng đủ can đảm để vượt qua những hiểu lầm nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Xin mời quý thính giả hãy gửi chia sẻ những câu chuyện hay và gửi những câu chuyện đến những người yêu thương của bạn bằng cách phản hồi hoặc gửi cho chúng tôi theo địa chỉ: radio.vietnamnet@gmail.com.

Thật mong, chương trình sẽ đem lại những khoảng lặng, những phút suy tư, để sống chậm lại, để cảm nhận cuộc sống một cách trọn vẹn và để them yêu cuộc sống này.

Xin cảm ơn các quý thính giả đã dành thời gian lắng nghe cùng "Thứ 6 không vội vã".

* Tuấn Hải - Thu Anh ( Thực hiện)
* Truyện: Nghị Minh (TQ)
* Dịch giả: Nguyễn Hải Hoành

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 2 trong tổng số 2 trang]

Chuyển đến trang : Previous  1, 2

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết